Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 08 về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.
Đầu tư phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Thưa quý vị, nằm trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL được công bố ngày 21/6 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề ra nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp giá trị cao, hiệu quả cao, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung phát triển các trung tâm đầu mối, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm cho vùng ĐBSCL.
Và để thực hiện hiệu quả nội dung này, vai trò của việc liên kết và phát triển nguồn nhân lực là rất quan trọng để tạo tiền đề vững chắc cho các kế hoạch phát triển của vùng. Cụ thể hơn về vấn đề này, sau đây mời quý vị cùng theo dõi phóng sự do phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam tại khu vực ĐBSCL thực hiện.
Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch tích hợp cấp vùng lần đầu tiên được thực hiện trong cả nước theo nội dung của Luật Quy hoạch. Trong đó, quy hoạch xác định vai trò quan trọng của công tác điều phối, liên kết ở các địa phương vùng ĐBSCL.
Ông NGUYỄN CHÍ DŨNG - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Công tác điều phối phát triển vùng có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch vùng, thúc đẩy quá trình liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong các chương trình dự án liên kết vùng, liên tỉnh. Qua đó, tạo nên sức mạnh tổng hợp, khai thác phát huy có hiệu quả các nguồn lực hướng đến các tầm nhìn, giá trị và lợi ích chung của toàn vùng”.
Các doanh nghiệp vùng ĐBSCL nhìn nhận, việc liên kết, tổ chức sản xuất sẽ tạo nên sức mạnh, kết nối nông dân, các vùng, các ngành nghề thậm chí là tất cả các khâu trong sản xuất.
Ông HUỲNH VĂN THÒN - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời: “Nếu chúng ta tổ chức lại sản xuất phải thông qua HTX, HTX chính là con đường liên kết và thể hiện liên kết, kết nối hay là tính hợp tác của tất cả các bên. Tôi hy vọng quy hoạch lần này nhất định sẽ tạo ra những bước ngoặt cho sự phát triển của ngành lúa gạo ở ĐBSCL”.
Cùng với đó, ngày 18/6 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 08/CT-TTg về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu. Điểm nhấn của Chỉ thị là Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN-PTNT xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL nhằm nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Hiện nay, các tỉnh ở ĐBSCL đang thực hiện quy hoạch tích hợp ở quy mô cấp tỉnh dựa trên tinh thần của Quy hoạch vùng đã được công bố. Chú trọng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với BĐKH; lấy con người làm trung tâm. Đồng thời, từ bản quy hoạch vùng này, các địa phương có thể tận dụng thế mạnh đặc thù để sản xuất hướng tới chất lượng, chế biến sâu, phân vùng sản xuất, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Thưa Quý vị, Quy hoạch vùng ĐBSCL được xem là chủ trương lớn về "thuận thiên" của Chính phủ với mục tiêu biến ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới. Thông qua việc phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế, các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với BĐKH. Tương lai, một kế hoạch được thực thi nhằm phát huy tối đa các cơ hội, tiềm năng để phát triển tốt hơn cho từng địa phương vùng ĐBSCL.