Tập trung vốn cho hạ tầng giao thông
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách và giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL. Điển hình như việc ban hành hàng loạt các Nghị quyết cho vùng như: Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hay Nghị quyết “vàng” số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và mới đây nhất là Nghị quyết số 78/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW. Quyết tâm hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 825/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020 - 2025.
Bức tranh toàn cảnh vùng ĐBSCL với “thời cơ mới và vận hội mới” trong bối cảnh thực hiện những quyết sách trên đã mở ra nhiều cơ hội đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của vùng trong thời gian tới.
Quy hoạch vùng ĐBSCL tập trung phát triển kết cấu hạ tầng với vai trò bệ đỡ cho sự phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy liên kết vùng ĐBSCL. Trong đó, quy hoạch đặc biệt chú trọng đến phát triển hạ tầng giao thông. Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000km đường quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.
Theo con số được Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể đưa ra, 86.000 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội thống nhất để tập trung phát triển đột phá hệ thống đường cao tốc ở khu vực ĐBSCL.
“Chúng tôi xác định cao tốc phải kết nối với phát triển kinh tế, do đó điểm cuối của hệ thống cao tốc này kết nối với cảng Trần Đề. Từ cảng Trần Đề, tàu 100.000 tấn chỉ cách TP Cần Thơ 60km. Với hệ thống đường cao tốc cùng cảng Trần Đề, sân bay quốc tế Cần Thơ, chúng tôi tin chắc sau nhiệm kỳ này, khu vực ĐBSCL sẽ là nơi rất thuận lợi cho phát triển kinh tế. Đặc biệt các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể đến đây, hình thành các khu công nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Bên cạnh đó, con số đầu tư kỳ vọng cho vùng ĐBSCL được Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đưa ra, trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý khoảng 320 nghìn tỷ đồng, tăng 23,3% so với giai đoạn 2016 - 2020.
Ngoài ra, nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số Bộ như GT-VT, NN-PTNT, Y tế... để triển khai các công trình dự án tại vùng ĐBSCL đạt khoảng 140 nghìn tỷ đồng.
Với hai nguồn hỗ trợ trên, tổng vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 của vùng đạt con số khoảng 460 nghìn tỷ đồng.
Thực hiện nghị quyết 120 của Chính phủ, Bộ KH-ĐT phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ GT-VT và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã làm việc với nhóm 6 ngân hàng phát triển, bao gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA ) và Ngân hàng Thế giới (WB) thống nhất tài trợ khoảng 2,2 tỷ USD để triển khai 20 dự án liên kết vùng giai đoạn 2021 - 2025. Đây sẽ là một sự trợ lực lớn, thực hiện quyết tâm của Chính phủ, các Bộ ngành, chính quyền và người dân vùng ĐBSCL tăng cường đầu tư, tạo đột phá phát triển hạ tầng trong vùng.
Cần Thơ - Hạt nhân vùng ĐBSCL
Với lợi thế của vùng là phát triển nông nghiệp, Bộ KH-ĐT xác định thay đổi tư duy về an ninh lương thực là một trong những đột phá chiến lược trong Quy hoạch vùng ĐBSCL. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, từ việc phát triển nông nghiệp dựa vào cây lúa chuyển sang thủy sản, trái cây, lúa gạo sẽ phù hợp với thị trường, trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại phân vùng sản xuất dựa trên tài nguyên nước và thổ nhưỡng.
TP Cần Thơ là một trong những khu vực phát triển động lực, là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL, cửa ngõ kết nối vùng với quốc tế, tăng cường kết nối hạ tầng giao thông giữa thành phố với các địa phương trong vùng, nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ chất lượng cao.
Với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đó, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường phấn khởi đưa ra 3 trụ cột bám sát hoạt động của thành phố thời gian tới. Trong đó, chú trọng phối hợp chặt với các Bộ, ban, ngành, Trung ương thực hiện đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, nhằm tạo sự kết nối thuận lợi giữa thành phố và các tỉnh trong vùng, cũng như kết nối với TP Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, với lợi thế nằm ở vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, thành phố sẽ sớm triển khai Quy hoạch TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng ĐBSCL. Chú trọng quy hoạch đô thị theo hướng đô thị sông nước sinh thái, thí điểm xây dựng đô thị thông minh và mô hình quản trị đô thị mới.
Đặc biệt là tăng cường liên kết các địa phương vùng ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh khác trong cả nước. Ông Trường khẳng định, với quyết tâm thực hiện hiệu quả 3 trụ cột này, như kiềng 3 chân tạo đà, bứt phá trong phát triển TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL.
Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan xác định nhiệm vụ xây dựng “Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản ĐBSCL” tại TP Cần Thơ có ý nghĩa quan trọng trong tổng thể phát triển của vùng. Đây là mô hình mới, nhận được nhiều sự quan tâm, trong tháng 5 vừa qua, Bộ NN-PTNT cùng với UBND TP Cần Thơ đã tổ chức hội thảo xin ý kiến 13 tỉnh, thành về Dự thảo Đề án.
“Nhìn chung, đa số ý kiến quan tâm đến yêu cầu xác định cụ thể, chi tiết, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm, với vị thế kết nối mang tính liên vùng, có sức tác động sâu rộng đến sự tăng trưởng, phát triển của ngành nông nghiệp. Việc hoàn thiện đề án đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, mang tính thị trường cao”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.
Trong khuôn khổ Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL vào ngày 21/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã có những chia sẻ đầy tâm huyết: “Nhiều nhà đầu tư quốc tế có thể khó nhận biết chính xác từng địa phương riêng rẽ, nhưng chắc chắn đều biết đến Mekong Delta - Đồng bằng sông Cửu Long”.
Bộ trưởng nhấn mạnh, liên kết vùng ĐBSCL không phải là phép tính cộng về dân số, diện tích, nguồn lực của 13 tỉnh, thành phố. Trên hết, đó là độ mở, kết nối về tư duy, tạo dựng mối quan hệ hài hoà giữa “Nhà nước - Thị trường - Xã hội”, khởi tạo không gian phát triển mới.
Gần đây, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng đã triển khai những dự án quy mô có tính liên tỉnh, hứa hẹn kích hoạt tiềm năng cùng lúc cho nhiều địa phương. Đó là những tín hiệu lạc quan minh chứng cho sự sáng tạo, năng động và sức sống của đồng bằng. Vấn đề chúng ta cần nối kết, lan tỏa những giá trị đó. Khi ấy, mỗi địa phương, với điều kiện đặc thù, thế mạnh riêng biệt, sẽ đóng góp chủ động, hài hòa vào tổng thể không gian kinh tế chung. ĐBSCL sẽ trở thành một thực thể kinh tế hoàn chỉnh, vận hành linh hoạt, năng động.