Nhiều địa phương, doanh nghiệp đang đầu tư mạnh vào cây dừa để nâng cao chất lượng và thương hiệu dừa Việt Nam, hướng tới xuất khẩu đa thị trường.
Sáng ngày 13/12, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Namcùng các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa” tại Bến Tre.
Dừa là 1 trong 6 đối tượng nằm trong Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 đã được Bộ NN-PTNT ban hành năm 2024. Theo đề án, đến năm 2030, diện tích dừa Việt Nam khoảng 195.000 - 210.000ha, trong đó vùng trồng dừa trọng điểm ĐBSCL khoảng 170.000 - 175.000ha.
Diễn đàn nhằm thúc đẩy kết nối giữa các bên trong chuỗi giá trị dừa Việt Nam, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và nông dân nắm bắt các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm. Đồng thời hướng tới tăng cường hợp tác, minh bạch thông tin và phát triển bền vững ngành dừa Việt Nam.
Bến Tre được mệnh danh “thủ phủ dừa” của cả nước với diện tích trồng trên 80.000 ha.
Diện tích dừa của tỉnh chiếm 88% diện tích dừa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và gần 42% diện tích dừa cả nước. Cây dừa được xác định là cây trồng chủ lực và nguồn thu nhập của hơn 200.000 hộ dân khu vực nông thôn của tỉnh. Sản phẩm dừa xiêm xanh Bến Tre đã được cấp giấy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chứng chỉ Quốc gia về chỉ dẫn địa lý.
Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có 133 vùng trồng dừa được cấp 133 mã số với diện tích hơn 8.300 ha. Có 14 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc. Mỗi năm xuất khẩu dừa mang về cho tỉnh hơn 350 triệu USD.
Những năm qua, Sở NN-PTNT đã phối hợp với các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt trên 20.700 ha. Hình thành chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ với 8 doanh nghiệp lớn, có công nghệ chế biến hiện đại và xuất khẩu các sản phẩm dừa hữu cơ vào nhiều thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Ngoài ra, khuyến cáo các đơn vị sản xuất, đóng gói và xuất khẩu dừa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng và quy trình kiểm dịch thực vật đã đề cập tại Nghị định thư và các quy định liên quan. Việc tuân thủ Nghị định thư và các quy định liên quan của Trung Quốc không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm dừa mà còn mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường khác trên thế giới.
Song song đó, nhiều địa phương, doanh nghiệp dừa Việt Nam cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, giao thương hàng hóa, khảo sát thị trường và hỗ trợ các doanh nghiệp tỉnh tham gia hội chợ triển lãm thương mại trong và ngoài nước.
Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã làm việc, ký kết hiệp định thương mại, mở cửa thị trường xuất khẩu dừa chính ngạch. Bên cạnh đó, đầu tư phát triển công tác nghiên cứu giống, quy trình canh tác để tạo thuận lợi cho ngành dừa phát triển.
Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn cũng đầu tư mạnh mẽ vào cây dừa, phát triển quy trình canh tác, công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng và thương hiệu dừa Việt Nam và từng bước biến những khu vực có thế mạnh trồng dừa thành khu vực du lịch sinh thái để nâng cao giá trị gia tăng.