Ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất lúa giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả trong sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu.
ĐBSCL áp dụng nhiều giải pháp thông minh canh tác lúa trước bão giá vật tư
Khoảng 2 năm trở lại đây gia đình ông Phan Thiện Khanh ở ấp Định Khánh B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ đã chuyển từ sạ 3 vụ lúa/năm xuống còn 2 vụ lúa/năm. Khoảng cách giữa 2 vụ lúa, ông dành thời gian phơi đất, cho đất nghỉ ngơi. Cách làm này đã góp phần giảm lượng phân bón sử dụng trong vụ sau từ 5 - 10 kg/công (1.000m2).
Ông PHAN THIỆN KHANH – Xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ
“Muốn để lợi nhuận đạt theo ý mình, nói chung phải áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm chi phí đầu vào. Đại khái như làm đất, khi mình sạ thì phải sạ vừa, sạ thưa để tiết kiệm chi phí. Khi sạ thưa bón phân cân đối, lượng phân nó giảm thì kéo theo sâu bệnh ít. Kéo theo số lần phun thuốc của mình cũng giảm xuống. Từ đó chi phí của mình cũng sẽ giảm”.
Đến với HTX Tân Long, chủ sở hữu của thương hiệu gạo sạch Vị Thủy, ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, hiện nay chi phí sản xuất lúa mỗi vụ của HTX đã giảm khoảng 45%, tương đương từ 5 – 6 triệu đồng/ha. Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, HTX Tân Long đã xây dựng hẳn một quy trình giảm chi phí sản xuất, triển khai đến toàn bộ bà con xã viên để cùng áp dụng đồng loạt. Quy trình chú trọng giảm lượng giống gieo sạ từ 120 kg/ha xuống còn 70 kg/ha, đồng thời HTX xây dựng lộ trình cắt giảm khoảng 10% lượng phân bón hóa học qua mỗi vụ, cách làm này cũng góp phần giảm được sâu bệnh hại và số lần phun thuốc BVTV.
Ông NGUYỄN VĂN THÍCH - Phó Giám đốc HTX Tân Long, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang
“Đầu vào của hữu cơ của chúng tôi cắt giảm được rất nhiều chi phí thành ra từ khi biến đổi thị trường về giá cả vật tư nông nghiệp không ảnh hưởng gì đến HTX chúng tôi vì chúng tôi đã chủ động được từ trước. Cho nên đầu ra đầu vào chúng tôi kiểm soát được. Ngày xưa bà con chúng ta chỉ nhìn con số sản xuất thôi còn hiện giờ chúng tôi nhìn vào lợi nhuận kinh tế. Thành ra từ chi phí đầu vào của vô cơ và hữu cơ thì nó chênh lệch rất cao. Đầu ra của hữu cơ an toàn giá trị kinh tế của sản phẩm chúng tôi rất có giá trị”.
Để nông dân chủ động điều tiết giá thành sản xuất, nằm trong chương trình Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tại vùng ĐBSCL, nhiều quy trình canh tác hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật 3G3T, 1P5G, góp phần giảm chi phí sản xuất đã được triển khai sâu rộng.
Ông CAO THĂNG BÌNH – Chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
“Chúng tôi đặt ra khi nông dân sản xuất theo khuyến nghị của ngành khuyến nông thì nông dân có thể giảm được 20% chi phí. Ở một số tỉnh chúng tôi nông dân đạt vượt con số này. Có những tỉnh giảm hơn 30% chi phí. Trong bối cảnh giá phân bón, vật tư đầu vào tăng cao thì điều này càng có ý nghĩa nó cũng là một động cơ cho người dân áp dụng các kỹ thuật canh tác mới và bền vững”
Rõ nét nhất, báo cáo sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu 2022 tại các tỉnh ĐBSCL vừa qua, tỷ lệ lượng giống gieo sạ dưới 100 kg/ha đã tăng 0,29% so với vụ hè thu trước. Tỷ lệ lượng giống gieo sạ từ 100 – 150 kg/ha cũng tăng đến 0,97%. Góp phần giảm chi phí đầu vào về hạt giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tới khoảng 2 – 3 triệu đồng/ha tùy từng vùng sản xuất.
Ông LÊ QUỐC DOANH - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT
“Chúng ta phải tiếp tục áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật canh tác tiên tiến đặc biệt là phải giảm giá thành sản xuất nhất là lượng phân bón và lượng giống sạ, trong bối cảnh hiện nay giá phân bón tăng, hiện nay chúng ta phải bón một cách hợp lý và chúng ta cố gắng thông qua đó để chúng ta vừa để giảm sâu bệnh và giảm tác động với môi trường nhưng nâng cao hiệu qủa sản xuất ”.
Những lựa chọn thông minh, cách làm hiệu quả của bà con nông dân, HTX đã một lần nữa khẳng định, nông dân đã chủ động thích ứng, sản xuất bám sát xu hướng thị trường, tiến dần đến giảm chi phí sản xuất trong tầm tay. Đây là bước tiến quan trọng trong việc tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam.