Giúp nông dân hiểu vai trò, trách nhiệm trong sử dụng thuốc BVTV
Theo ông Nguyễn Viết Khoa, Trưởng phòng Đào tạo, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG), hệ thống khuyến nông Việt Nam có nhiệm vụ nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi trong sản xuất của người dân.
Để sử dụng vật tư nông nghiệp nói chung, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nói riêng có trách nhiệm, Trung tâm KNQG đã chia sẻ, tư vấn người dân ở 4 khía cạnh: Sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm với chính bản thân mình (người trực tiếp sử dụng); trách nhiệm với cộng đồng; trách nhiệm với sản phẩm nông sản tạo ra; trách nhiệm với môi trường sinh thái (khi sử dụng quá nhiều thuốc BVTV sẽ ảnh hưởng đến môi trường đất, nước…).
Để người dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc sử dụng thuốc BVTV, không có biện pháp nào khác ngoài tiếp tục nâng cao nhận thức cho họ. Phải làm cho người dân hiểu rằng việc sử dụng thuốc BVTV không có trách nhiệm sẽ mang đến những ảnh hưởng tới sức khỏe con người, môi trường sinh thái...
Theo cách tiếp cận đó, hệ thống khuyến nông đã áp dụng nhiều phương pháp như: Thay việc thông tin một chiều như trước đây, cán bộ khuyến nông sẽ cùng với người dân nhìn nhận, đánh giá thực tế trên đồng ruộng thông qua các hội thảo đầu bờ. Thông qua các mô hình trình diễn, người dân sẽ tự rút ra được những điểm thành công, không thành công để hình thành cho mình kinh nghiệm và từng bước chuyển biến trong tư duy, nhận thức. Khi người dân đã nhận thức đúng, họ sẽ hành động đúng.
Một vấn đề quan trọng khác cũng cần lưu ý là làm thế nào để lan tỏa được những mô hình đã triển khai thành công, bởi hiện nay có nhiều mô hình đã thành công nhưng vẫn chưa thể lan tỏa ra diện rộng. Về vấn đề này, Trung tâm KNQG đã sử dụng phương pháp mời các hộ nông dân tới thăm trực tiếp mô hình đã làm thành công, để chính nông dân đã triển khai mô hình đó chia sẻ kinh nghiệm. Theo đánh giá, việc tạo điều kiện cho nông dân chia sẻ với nông dân sẽ mang lại hiệu quả lan tỏa tốt hơn so với việc cán bộ khuyến nông chia sẻ một chiều với nông dân như trước đây.
Cùng doanh nghiệp dẫn dắt nông dân sản xuất
Cách tiếp cận của hoạt khuyến nông hiện nay là theo xu hướng quốc tế, muốn hoạt động hiệu quả không thể làm đơn lẻ, một mình. Các nước trên thế giới đã có cách làm khuyến nông rất hiệu quả theo hình thức đối tác công tư (PPP). Hình thức hợp tác này có thể hiểu là các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để cùng triển khai hoạt động khuyến nông một cách hiệu quả.
Theo đó, Trung tâm KNQG triển khai hoạt động khuyến nông theo nhiệm vụ nhà nước giao; doanh nghiệp có mong muốn triển khai các mô hình, hoạt động giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, từ đó gắn với hoạt động thương mại bán các sản phẩm.
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH Syngenta Việt Nam đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất bền vững, trong đó khuyến cáo người dân sử dụng vật tư đầu vào, nhất là thuốc BVTV sinh học thế hệ mới một cách tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo ổn định kinh tế, an toàn với môi trường. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục đích mà khuyến nông nhà nước cũng đang hướng tới.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng xây dựng hệ thống cán bộ khuyến nông tại các địa phương rất hùng hậu. Do đó, khi lực lượng khuyến nông nhà nước kết hợp với đội ngũ khuyến nông doanh nghiệp sẽ tạo thành một mạng lưới rộng khắp tại các địa phương, điều này sẽ giúp các hoạt động khuyến nông khi triển khai trở nên thuận lợi, sức lan tỏa sẽ rộng và nhanh hơn.
Trong thời gian tới, Trung tâm KNQG có nhiều định hướng như triển khai đề án đổi mới hệ thống khuyến nông; đề án khuyến nông cộng đồng (Bộ NN-PTNT đã phê duyệt) để khắc phục tình trạng khuyến nông cơ sở đang bị đứt gãy, từ đó tạo cầu nối giữa người nông dân với HTX, doanh nghiệp.
Để làm được điều này, trước tiên Trung tâm sẽ tập trung nâng cao năng lực hệ thống khuyến nông cơ sở; đa dạng hóa phương pháp khuyến nông; đa dạng hóa đối tượng khuyến nông (trước đây chỉ tập trung vào nông dân, bây giờ thêm HTX, chủ trang trại…); không chuyển giao tiến bộ KH-KT một cách đơn lẻ mà lấy HTX làm nền tảng, hoạt động chuyển giao kỹ thuật phải gắn với phát triển các chuỗi liên kết sản xuất.