Doanh nhân 8X liên kết sản xuất cà phê hữu cơ xuất khẩu
Kính thưa quý vị và các bạn! Những năm gần đây, người trồng cà phê ở vùng Cầu Đất Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) gặp khó khăn do sự tác động giá cả thị trường. Để nâng cao chất lượng, giá trị, tăng thu nhập, anh Bùi Xuân Thắng, Giám đốc Công ty Cà phê Cầu Đất Bean đã tổ chức liên kết, xây dựng vùng sản xuất cà phê hữu cơ với tổng diện tích gần 30ha và xuất khẩu qua các quốc gia trên thế giới. Điều này góp phần giúp đỡ người dân địa phương cải thiện thu nhập, phát triển bền vững với cà phê.
|
Đây là khu liên kết sản xuất cà phê hữu cơ rộng gần 30ha do Công ty Cà phê Cầu Đất Bean triển khai. Tại đây, doanh nghiệp đang phát triển các giống cà phê đặc sản của vùng Cầu Đất Đà Lạt như Arabica, Moka. Toàn bộ gần 30ha diện tích được bao bọc, che chắn bởi rừng phòng hộ và được tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam (TCVN). Với quy trình này, toàn bộ cây trên vườn có sự phát triển ổn định, cho năng suất cao.
|
Phỏng vấn: Anh BÙI XUÂN THẮNG, Giám đốc Công ty Cà phê Cầu Đất Bean, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, Lâm Đồng
Nông nghiệp hữu cơ và theo như mình tìm hiểu thì nó là xu hướng của toàn thế giới. Khi người dân ở vùng nguyên liệu đang gặp khó khăn về giá bán, đầu ra thì mình muốn làm cái gì đó cho xã hội, muốn tạo ra giá trị cho sản phẩm, hỗ trợ người dân để họ bớt khổ. Do vậy mình đã tìm hiểu, tập hợp một số nông hộ canh tác cà phê ở khu vực Cầu Đất để cùng nhau tạo ra giá trị tốt hơn cho cà phê Cầu Đất.
|
Theo đại diện Công ty Cà phê Cầu Đất Bean, để có được khu vực sản xuất cà phê hữu cơ như hiện nay, doanh nghiệp và các hộ dân liên kết bắt tay vào thực hiện từ năm 2014. Thời gian này, toàn bộ cà phê ở vườn đã già cỗi, kém chất lượng. Đặc biệt đất vườn khô cằn, vắng bóng các loài vi, sinh vật.
Để hồi sinh sự sống cho khu vườn, doanh nghiệp đã bỏ lượng lớn chi phí, tiến hành cuộc “cách mạng” trên quy mô lớn.
|
Anh BÙI XUÂN THẮNG, Giám đốc Công ty Cà phê Cầu Đất Bean, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, Lâm Đồng
Thời gian đầu, khi mới mua vườn lại để canh tác thì những cây cà phê đó đã rất lão hoá rồi và thói quen canh tác bằng phân hoá học của người dân đã làm cho chất đất ở vườn đi xuống rất nhiều. Do vậy, khi mình bắt đầu canh tác hữu cơ thì thấy nó không có hiệu quả chút nào. Sau đó, được Đảng, Nhà nước tổ chức các khoá tập huấn về nông nghiệp hữu cơ nên anh em quyết định nhổ bỏ, cải tạo lại đất và ươm giống, lựa chọn giống theo đúng khoa học thì sau đó mới phát triển được.
|
Theo đại diện Công ty Cà phê Cầu Đất Bean
, toàn bộ gần 30ha diện tích cà phê được doanh nghiệp sử dụng nguồn phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh. Đối với việc phòng trừ dịch bệnh, sâu hại, doanh nghiệp tổ chức cử người có chuyên môn theo dõi sát sao và áp dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, chế phẩm sinh học để sản xuất.
|
Anh TRẦN HUY HẢI, Quản lý Kỹ thuật chăm sóc cây trồng Công ty Cà phê Cầu Đất Bean
Theo quy trình hữu cơ, trước mắt phải chăm sóc cây, bộ rễ. Tới thời điểm cây ra bông thì tập trung chăm bông. Khi bông đạt, đậu trái thì tiếp tục chăm trái. Với 3 giai đoạn đó, sức khoẻ của cây được tốt hơn. Nhờ phân bón hữu cơ, vi sinh nên bộ rễ cây phát triển tốt hơn hoá học. Ví dụ hoá học rải không đều dẫn đến cháy rễ, còn phân hữu cơ rải ít hoặc nhiều đều nuôi bộ rễ rất tốt.
|
Hiện nay, nguồn đất, nguồn nước được đảm bảo kết hợp quy trình sản xuất nghiêm ngặt nên toàn bộ cây trên vườn có sự phát triển mạnh mẽ. Nền đất vườn tơi xốp, luôn giữ được độ ẩm, các loài vi, sinh vật được tái sinh.
Với quy trình hữu cơ, mỗi ha cà phê tại đây cho năng suất từ 3 đến 3,5 tấn nhân xanh/ha. Năng suất, chất lượng cà phê được tăng cao nên Công ty Cà phê Cầu Đất Bean cũng tổ chức thu mua cho các hộ dân liên kết với mức giá cao hơn giá thị trường khoảng 3.000 đồng/kg.
|
Ông LÊ VĂN PHƯƠNG, nông hộ liên kết sản xuất cà phê với Công ty Cà phê Cầu Đất Bean
Hiện nay gia đình tôi canh tác 3ha và được công ty đầu tư các loại phân bón vi sinh. Cà trên vườn nhà tôi 10 năm có, 20 năm có và giống mới. Hiện nay sản lượng giống mới đạt. Nói chung 1ha trung bình khoảng 3 – 3,5 tấn nhân/năm.
|
Ông NGUYỄN TRỌNG BÌNH, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, Lâm Đồng
Đối với các doanh nghiệp đến với địa phương Xuân Trường để sản xuất dòng cà phê hữu cơ thì đây là hướng đi tốt với địa phương và nhân dân trên địa bàn. Cà phê hữu cơ Xuân Trường nếu phát triển được thì đây là hướng đầu ra an toàn cho người dân, tạo sự phát triển bền vững ngành cà phê tại Xuân Trường.
|
Hiện nay, mỗi năm Công ty Cà phê Cầu Đất Bean sản xuất trên 100 tấn cà phê hữu cơ. Nguồn sản phẩm này được doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… với giá 240 triệu đồng/tấn. Đây là mức giá cao hơn sản phẩm cà phê truyền thống khoảng 30%.
|
Thưa quý vị và các bạn! Được doanh nghiệp hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất và ký hợp đồng thu mua sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường nên nhiều nông hộ trồng cà phê ở vùng Cầu Đất Đà Lạt ổn định đời sống. Hiện nay, Công ty Cà phê Cầu Đất Bean hướng đến liên kết với các hộ dân tại vùng Cầu Đất Đà Lạt nhằm mở rộng quy mô vùng nguyên liệu cà phê hữu cơ, đáo ứng nhu cầu thị trường.
|