Từ vài lồng cá, xóm Nà Phường ở tỉnh Cao Bằng nuôi chủ yếu là trắm, chép, rô phi đơn tính đã cho thu nhập trung bình từ 70 - 80 triệu đồng/năm.
Diện tích trung bình mỗi lồng khoảng 20 m2, cao gần 2 m. Mỗi lồng nuôi thả khoảng 150 con cá giống, chủ yếu là cá trắm, chép với kích cỡ từ 0,5 kg đến 0,8 kg/con. Trước đây, cá chăn chủ yếu bằng lá, thân cây chuối nhưng hiện nay chủ yếu dùng cỏ voi chăn cá. Có thể chăn thêm ngô nấu chín để cá phát triển tốt hơn.
Phỏng vấn ông Bế Thành Đông, Chủ nhiệm Hợp tác xã cá lồng Pác Đa, xã Độc Lập, huyện Quảng Hòa: “Cá lồng ở địa phương ở một điều kiện nguồn nước rất sạch, bà con chủ yếu chăn bằng cỏ voi nên cá phát triển tự nhiên. Sản phẩm cá của Hợp tác xã cá lồng Pác Đa khi được trải nghiệm khách hàng sẽ thấy cá ngon, dai, có vị thơm riêng chứ không giống cá nuôi cám công nghiệp”.
Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông và Giống Nông lâm nghiệp Cao Bằng triển khai mô hình “Nuôi cá Rô phi đơn tính trong lồng hồ chứa thủy điện” tại xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa. Năm 2021, Trung tâm tiếp tục triển khai xây dựng mô hình nuôi cá bỗng trong lồng bè trên sông và hồ chứa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” giai đoạn 2021 - 2023 tại xã Mỹ Hưng.
Từ những hiệu quả bước đầu của mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Thuận, nhiều hộ dân ở xóm Hợp Nhất, xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa đã đầu tư lồng nuôi cá. Hộ ít nuôi 2 - 4 lồng, hộ nhiều nuôi 6 - 8 lồng cá.
Phỏng vấn ông Hoàng Văn Việt, xóm Hợp Nhất, xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa: “Khó khăn hiện nay của mô hình nuôi cá lồng chủ yếu là thị trường khi thị trường khá hẹp. Dù điều kiện môi trường phù hợp nhưng các hộ dân còn thiếu nguồn vốn để đầu tư mở rộng mô hình”.
Phỏng vấn ông Đàm Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hưng: “Trong thời gian tới, xã dự kiến sẽ kiến nghị cấp trên sử dụng nguồn vốn hỗ trợ con giống, lồng bè cho bà con. Làm sao mà xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện mang tính chất chuỗi giá trị, trở thành hàng hóa”.
Cá lồng nuôi trên sông, lòng hồ thủy điện có chất lượng tốt, thịt chắc, thơm ngon. Giá cá rô phi, trắm, chép từ 60 - 100 nghìn đồng/kg, cá bỗng từ 200 - 250 nghìn đồng/kg. Nếu thị trường ổn định thì nguồn thu nhập của người nuôi cá sẽ khá cao, giúp nâng cao thu nhập, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã.
Đến nay, mô hình nuôi cá lồng trên sông, lòng hồ thủy điện đang phát triển ở huyện Quảng Hòa. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra vẫn cần được các cấp chính quyền huyện Quảng Hòa và các địa phương cần quan tâm để đảm bảo thu nhập ổn định cho người dân.