| Hotline: 0983.970.780

Lập hợp tác xã nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện ở Cao Bằng

Thứ Ba 24/05/2022 , 09:25 (GMT+7)

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện, những năm gần đây, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) đã vận động nhân dân phát triển nghề nuôi cá lồng.

Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Thuận là hướng đi tiềm năng ở huyện Quảng Hòa. Ảnh: Công Hải.

Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Thuận là hướng đi tiềm năng ở huyện Quảng Hòa. Ảnh: Công Hải.

Trước đây, do không có nhiều diện tích mặt nước, người dân xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) chủ yếu nuôi cá trong ao với diện tích nhỏ. Từ năm 2019, khi thủy điện Hòa Thuận xây dựng trên con sông Bằng Giang đi vào hoạt động, với diện tích mặt nước khá lớn và nguồn nước sạch rất phù hợp cho việc phát triển nuôi cá lồng trong lòng hồ, một số hộ dân đã mạnh dạn đầu tư làm lồng, thả các giống cá rô phi, trắm cỏ, chép để nuôi thử.

Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông và Giống Nông lâm nghiệp Cao Bằng đã triển khai mô hình “Nuôi cá rô phi đơn tính trong lồng hồ chứa thủy điện” tại xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa. Năm 2021, Trung tâm tiếp tục triển khai xây dựng mô hình nuôi cá bỗng trong lồng bè trên sông và hồ chứa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021 - 2023 tại xã Mỹ Hưng. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ con giống, thức ăn và chế phẩm sinh học, 100% sản phẩm được Trung tâm kết nối để tiêu thụ.

Từ những hiệu quả bước đầu của mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Thuận, nhiều hộ dân ở xóm Hợp Nhất, xã Mỹ Hưng đã đầu tư lồng nuôi cá. Hộ ít nuôi 2 - 4 lồng, hộ nhiều nuôi 6 - 8 lồng cá. Năm 2022, các hộ dân đã họp bàn thành lập Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và dịch vụ, thủy sản Nặm Tốc với 10 thành viên.

Ông Hoàng Văn Việt, xóm Hợp Nhất, xã Mỹ Hưng đang nuôi 8 lồng cá. Ảnh: Công Hải.

Ông Hoàng Văn Việt, xóm Hợp Nhất, xã Mỹ Hưng đang nuôi 8 lồng cá. Ảnh: Công Hải.

Ông Hoàng Văn Việt, xóm Hợp Nhất, thành viên Hợp tác xã chia sẻ: "Tôi có kinh nghiệm nhiều năm chài nước, đánh bắt cá trên sông Bằng Giang. Từ khi thủy điện Hòa Thuận xây dựng và đi vào hoạt động, tôi mạnh dạn đầu tư làm 2 lồng cá để nuôi thử.

Thời gian đầu, do mới nuôi còn ít kinh nghiệm nên cá chậm phát triển, thỉnh thoảng lại hay bị bệnh. Tôi chịu khó tìm hiểu trên mạng, qua sách báo kỹ thuật nuôi cá lồng trên sông, lòng hồ thủy điện để áp dụng.

Hiện nay, gia đình tôi nuôi 8 lồng cá với, kích cỡ 4m x 4m và 6m x 6m, cao gần 3m. Mỗi lồng nuôi thả khoảng 150 con cá giống, chủ yếu là cá trắm, rô phi, chép với kích cỡ từ 0,5kg - 0,8kg/con. Năm 2021, tôi nuôi thêm cá bỗng, hay còn gọi là cá dầm xanh có giá trị kinh tế cao".

Cũng theo ông Việt, trước đây, cá được cho ăn chủ yếu bằng lá sắn, thân cây chuối nhưng hiện nay chủ yếu bà con đã chuyển diện tích trồng ngô sang trồng cỏ voi để nuôi cá. Bà con còn cho cá ăn thêm ngô nấu chín, thức ăn tổng hợp để cá phát triển tốt hơn. Ngoài thức ăn, ngay từ khi nhập cá giống về phải chú ý sát khuẩn bằng nước muối để cá khỏe mạnh, ít mắc bệnh.

Năm 2021, hộ ông Việt bán được hơn 1 tấn cá rô phi, thu về hơn 60 triệu đồng. Các lồng cá trắm cỏ phát triển tốt, nhiều con đã nặng từ 2 - 3 kg. Thời gian tới, ông Việt cho biết sẽ đầu tư thả thêm cá bỗng, cá tầm, cá lăng vì giá trị kinh tế cao, nhu cầu bên Trung Quốc rất lớn. Với 8 lồng cá, nếu phát triển tốt, những năm tới, gia đình ông có thể thu nhập mỗi năm khoảng 200 triệu đồng.

Nhiều hộ dân xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa đầu tư nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Thuận. Ảnh: Công Hải.

Nhiều hộ dân xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa đầu tư nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Thuận. Ảnh: Công Hải.

Ông Đàm Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa cho biết: Trước khi nuôi cá, các hộ được chính quyền địa phương hỗ trợ làm các thủ tục đăng ký trình cơ quan chức năng để cấp phép nhằm bảo đảm môi trường và các quy định của pháp luật.

UBND xã đã hỗ trợ 90 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp xây dựng nông thôn mới cho các hộ dân làm lồng, mua cá giống. Các hộ nuôi cá lồng thực hiện tốt công tác phòng bệnh, nâng cao kiến thức trong nuôi cá lồng. Trung tâm Khuyến nông và Giống Nông lâm nghiệp Cao Bằng triển khai các mô hình nuôi cá hỗ trợ con giống, tập huấn kỹ thuật giúp nhiều hộ dân có thêm kinh nghiệm nuôi cá, giúp đàn cá phát triển nhanh.

Cá lồng nuôi trên lòng hồ thủy điện có chất lượng tốt, thịt chắc, thơm ngon. Giá cá rô phi, trắm, chép từ 60 - 100 nghìn đồng/kg, cá bỗng có giá từ 200 - 250 nghìn đồng/kg. Nếu thị trường ổn định, nhất là thị trường Trung Quốc bình thường trở lại thì nguồn thu nhập của người nuôi cá sẽ khá cao, đóng góp vào việc nâng cao thu nhập, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã.

Đến nay, mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đang phát triển tại xã Mỹ Hưng và Thị trấn Hòa Thuận. Từ vài lồng cá, hiện nay đã phát triển ra hơn 40 lồng. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra vẫn cần được các cấp chính quyền huyện Quảng Hòa và các địa phương cần quan tâm để đảm bảo thu nhập ổn định cho người dân.

Xem thêm
Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.