Đồng Nai phát động chiến dịch ‘nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép’, tăng cường thực thi pháp luật phòng, chống mua bán, săn bắt động vật hoang dã trái phép.
Đồng Nai nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép
Đồng Nai vừa phát động chiến dịch ‘nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép’, tăng cường thực thi pháp luật phòng, chống mua bán, săn bắt động vật hoang dã trái phép.
Đồng Nai có 172.000 ha rừng tự nhiên, là một trong những tỉnh có đa dạng sinh học bậc nhất khu vực Đông Nam bộ. Các loài động vật hoang dã chủ yếu sinh sống ở Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, với hơn 3000 loài động vật, trong đó có gần 300 loại nguy cấp, quý hiếm; khoảng 60 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng trong nước và trên toàn cầu, nhiều loài động vật được ghi vào sách đỏ Việt Nam như: Voi, báo gấm, gà tiền mặt đỏ, chích chạch má xám; bò tót, gấu ngựa, chà vá chân đen, tê tê…
Tuy nhiên, trong những năm gần đây tình trạng vi phạm săn bắn và đặt bẫy động vật hoang dã vẫn còn diễn ra phức tạp.
PV Ông NGUYỄN THIÊN LONG, Phó hạt trưởng hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên: Tình trạng săn bắn động vật rừng vẫn còn xảy ra, đặc biệt trong những năm gần đây tình trạng sử dụng súng để săn bắn động vật rừng vẫn còn là một trong những nỗi nhức nhối của lực lượng kiểm lâm vườn. Số lượng bẫy hàng tháng anh em kiểm lâm đi tuần tháo gỡ cũng còn khá nhiều.
PV Ông NGUYỄN VĂN THÁI, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam:Đối với hoạt động mà “Tỉnh Đồng Nai nói không với sử dụng động vật hoang dã” là một chuỗi rất đa dạng các hoạt động. Thứ nhất là các hoạt động tuyên truyền để lan tỏa thông điệp về bảo vệ động vật hoang dã, mọi người hiểu hơn về giá trị của rừng, giá trị của động vật hoang dã và từ đó chung tay bảo tồn. Thứ hai, tăng cường phối hợp liên ngành, giữa các cơ quan để thúc đẩy các hoạt động chống săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép. Thứ ba là để người dân hiểu rõ được vấn nạn, thực trạng, sự tuyệt chủng của các loài động vật hoang dã hiện nay. Từ đó mọi người chung tay cùng bảo vệ các loài động vật hoang dã, không sử dụng các sản phẩm đông vật hoang dã trái phép.
Đồng Nai có chủ trương đóng cửa rừng sớm nhất trong cả nước (từ năm 1997), nhờ thế việc quản lý rừng cũng sớm được tăng cường, đồng thời công tác bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh đã có nhiều biến chuyển tích cực. Tuy nhiên, ý thức bảo vệ động vật hoang dã của người dân chưa cao. Điều này cho thấy những khó khăn trong kiểm soát, ngăn chặn, cũng như nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm quần thể động vật hoang dã trong nước và quốc tế.
PV Ông LÊ VĂN GỌI, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai:Công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo vệ động vật hoang dã nói chung với một tiến độ như vậy, chúng ta có quyền đặt vào tương lai sẽ tốt hơn. Với chuỗi hoạt động này thì mục tiêu sẽ đến sớm hơn. Chúng tôi sẽ đi sâu vào bản chất của vấn đề, từng quán ăn hoặc từng hành vi, xử lý triệt để và đặc biệt là giáo dục cho người dân sống ven rừng, giáo dục cho thế hệ trẻ, biết trân quý, bảo vệ, bảo tồn các thiên nhiên để lại và nói không với việc sử dụng động vật hoang dã.
Trong bối cảnh vi phạm động vật hoang dã còn phức tạp, thì sáng kiến phát động chiến dịch “Đồng Nai nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép” là cam kết mạnh mẽ thể hiện trách nhiệm của địa phương này với sự sống của các loài động vật rừng. Buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.