Nhiều mùa vụ trình diễn, sản xuất liên tiếp đã cho thấy, giống lúa TBR97 là giống lúa có nhiều ưu điểm nổi trội, phù hợp với điều kiện sản xuất ở tỉnh Quảng Ngãi.
Vụ đông xuân 2022 – 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn ThaiBinh Seed – Miền Trung – Tây Nguyên (đơn vị trực thuộc Tập đoàn ThaiBinh Seed) triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn sử dụng giống lúa thuần TBR97 áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến theo quy trình kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” tại thôn Phong Niên Hạ, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh trên diện tích 13ha với 120 hộ dân tham gia.
Đây là năm thứ 3, giống lúa TBR97 được khảo nghiệm, sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi ở nhiều địa phương khác nhau. Các mô hình thực hiện trước đó đều đạt những kết quả tốt, được người nông dân và ngành chức năng đánh giá cao.
Tại mô hình lần này, giống lúa tiếp tục phát huy những đặc tính nổi trội, thích ứng tốt trước những điều kiện ngoại cảnh bất lợi, đạt năng suất lên đến 98 tạ lúa tươi trên 1 héc ta. Với kết quả này, hầu hết các hộ nông dân đều cho rằng, đây là giống lúa rất triển vọng, phù hợp với điều kiện canh tác ở địa phương.
Ông Trần Lý, thôn Phong Niên Hạ, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh Quảng Ngãi
Tôi làm được 2 héc ta, giống lúa này sẽ đạt kết quả, người nông dân rất phấn khởi. So với giống khác thì nó đạt hơn. Giống lúa này cứng cây, dễ làm, ít thuốc, năng suất cao nên người nông dân thực tế rất ưng giống lúa này.
Theo bà con nông dân, vụ sản xuất này, điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn. Hiện tượng mưa lớn gây ngập úng cục bộ vào thời điểm gieo sạ và lúa trong giai đoạn mũi chông, đẻ nhánh đã ảnh hưởng đến việc sinh trưởng, phát triển của cây lúa.
Cùng với đó, khi lúa trong giai đoạn đẻ nhánh, trổ đồng thì các sinh vật gây hại đặc biệt là tình trạng chuột cắn phá đã phần nào ảnh hưởng đến năng suất chung của mô hình. Thế nhưng, giống lúa TBR97 vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế vượt trội so với các giống được sản xuất đại trà.
Ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Tịnh
So với các giống khác, TBR97 nó có ưu điểm là cứng cây, không đổ ngã, kháng được một số đối tượng sâu bệnh nên việc chăm sóc cho người nông dân cũng thuận tiện. Thứ 2 là năng suất so với các giống khác như sáng nay gặt thử chúng ta đánh giá là khoảng 87 đến 90 tạ trên 1 héc ta. Đây là giống lúa triển vọng trên địa bàn.
Tại Hội thảo đầu bờ đánh giá mô hình, Đại diện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tịnh cho rằng, việc sử dụng giống lúa mới TBR97 kết hợp với áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ theo quy trình “1 phải, 5 giảm” đã giúp người nông dân giảm được rất nhiều chi phí đầu tư như giống gieo sạ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, lợi nhuận của mô hình đạt đến hơn 18 triệu đồng trên 1 héc ta. So sánh trên cùng một đơn vị diện tích, lợi nhuận của mô hình sử dụng giống lúa TBR97 cao hơn các ruộng sản xuất đại trà khoảng 7 triệu đồng.
Ông Triệu Tấn Phú, Giám đốc Công ty TNHH ThaiBinh Seed – Miền Trung – Tây Nguyên
Giống lúa TBR97 đã được khảo nghiệm, sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2020 đến nay. Giống lúa đã được chính thức công nhận lưu hành vào tháng 8/2022. Đến vụ đông xuân này, chúng tôi sản xuất ở các huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ. Trong những năm đến, chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển giao và nhân rộng. Hiện nay quy mô sản xuất khoảng 200ha trên địa bàn toàn tỉnh.
Hiện nay, sau nhiều mùa vụ canh tác, các giống lúa truyền thống của người dân đã dần bị thoái hóa. Vậy nên, việc sử dụng các giống lúa mới năng suất, chất lượng như TBR97 để thay thế, từng bước đưa vào sản xuất đại trà trong thời gian tới sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân.