Việt Nam - Hoa Kỳ đang tiến tới mục tiêu nâng cấp quan hệ song phương, trong đó nông nghiệp được xác định là lĩnh vực đặc biệt ưu tiên thời gian tới.
TĂNG KHẢ NĂNG TIẾP CẬN TÍN DỤNG VỚI HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP
Thưa quý vị và các bạn! Tổ điều hành Diễn đàn nông sản 970 của Bộ NN-PTNT vừa tổ chức phiên thứ ba năm 2022 với chủ đề “Khai thông tín dụng vi mô phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và hợp tác xã”.
Diễn đàn nhằm kết nối thông tin giữa các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ với các tổ chức tín dụng. Đồng thời, nắm bắt, hiểu rõ hơn về những quy định của Nhà nước để dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính, đặc biệt trong điều kiện khó khăn bởi dịch Covid-19 hiện nay.
Những năm qua, vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã từng bước được khẳng định với những đóng góp to lớn trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, khu vực kinh tế này vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế. Trong đó, nguyên nhân được nhấn mạnh là thiếu nguồn lực và khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX.
Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (8) ban hành ngày 16/6 cũng đã chỉ ra nhiều tồn tại, thách thức, trong đó có thách thức về nguồn vốn và tín dụng.
Nghị quyết nêu rõ, phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, phấn đấu đến 2030 có 140.000 tổ hợp tác, trên 60% tổ chức này có lãi khá, ít nhất 50% tổ chức tham gia liên kết theo chuỗi giá trị.
Trong nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, Nghị quyết 20 cũng nhấn mạnh việc nâng cấp khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và năng lực thực hiện tín dụng nội bộ của các HTX, các chuỗi liên kết.
HOÀN THIỆN NGHỊ ĐỊNH THƯ 8 MẶT HÀNG TRÁI CÂY TRUYỀN THỐNG XUẤT TRUNG QUỐC
Việt Nam hiện có 11 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, trong đó 3 loại đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật gồm: măng cụt, chanh leo, sầu riêng.
8 loại trái cây truyền thống của Việt Nam đã và đang xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gồm chuối, xoài, vải, nhãn, dưa hấu, thanh long, mít và chôm chôm chưa ký Nghị định thư.
Hiện, Cục Bảo vệ thực vật đang phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đàm phán trao đổi kỹ thuật, tiến hành xây dựng các Nghị định thư đối với 8 loại quả xuất khẩu truyền thống trên nguyên tắc không phát sinh thêm thủ tục hành chính và các chỉ tiêu kỹ thuật.
BẮC GIANG THU TRÊN 6.000 TỶ TỪ VẢI THIỀU
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ trong vụ vải thiều 2022 đạt hơn 6,78 nghìn tỷ đồng, tương đương năm 2021.
Trong đó, riêng doanh thu từ vải thiều đạt hơn 4,41 nghìn tỷ đồng, còn lại là doanh thu từ dịch vụ phụ trợ.
Năm nay, diện tích vải thiều của Bắc Giang đạt 28,3 nghìn ha, tổng sản lượng đạt hơn 199 nghìn tấn, giảm hơn 16,2 nghìn tấn so với năm 2021 nhưng cao hơn dự kiến gần 20 tấn với giá vải thiều bình quân chung cả vụ đạt 22.100 đồng/kg.
Theo đó, sản lượng vải thiều xuất khẩu đạt khoảng 80 nghìn tấn, chiếm 38,07% tổng sản lượng, kim ngạch xuất khẩu đạt 75,4 triệu USD.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 91,5 tỷ USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ 2020, trong khi Việt Nam cũng trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ.
Về nông nghiệp, Việt Nam và Mỹ hiện là những đối tác hàng đầu của nhau và hai nước đang trong quá trình làm việc sâu rộng ở cấp cao, tiến tới mục tiêu nâng cấp quan hệ song phương, trong đó nông nghiệp là một trong các lĩnh vực ưu tiên.
Để hiểu rõ hơn những nội dung mà ngành nông nghiệp 2 nước sẽ đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi cuộc trao đổi của Báo Nông nghiệp Việt Nam với Quyền Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, ông Jason Hafemeiser.