Việc chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ giúp cây sầu riêng tại Đắk Lắk được phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe cho người sản xuất.
Thưa quý vị và bà con! Đắk Lắk có diện tích sầu riêng hơn 34.000ha, sản lượng dự kiến năm 2024 trên 300.000 tấn. Người dân Đắk Lắk trước đây canh tác sử dụng nhiều phân, thuốc hóa học nhưng hiện nay nhiều hộ đã chuyển dần sang dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, canh tác theo hướng hữu cơ, giúp cho vườn sầu riêng phát triển tốt, phòng ngừa các nguy cơ gây hại.
Đắk Lắk được xem là thủ phủ sầu riêng của cả nước với diện tích không ngừng tăng. Sầu riêng Đắk Lắk cũng được đánh giá có chất lượng tốt và đã xuất khẩu sang nhiều Quốc gia. Nhận thấy yêu cầu của thị trường đòi hỏi chất lượng nên nhiều gia đình trồng sầu riêng tại Đắk Lắk đã chuyển dần sang canh tác hữu cơ, sử dụng phân, thuốc sinh học để bón cho cây trồng.
Phỏng vấn Ông Phạm Xuân Bình, Xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk
Nền đất mình chăm sóc hữu cơ nó bền vững cho nền đất và cho cây trồng, quan điểm của tôi khi làm sầu riêng trước khi mình làm cho cây tốt thì mình làm cho đất tốt trước. Nếu chúng ta theo được hữu cơ mãi mãi thì nói chung rất tốt cho nền đất, nguồn nước, môi trường.
Tương tự, ông Lạ Cảnh Cường luôn tâm huyết, say mê nghiên cứu học hỏi cách trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, học hỏi các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Vườn được lên luống, trồng sầu riêng xen trong các vườn chuối. Sau khi vườn chuối lớn, cho thu hoạch thì sử dụng chính những cây chuối này ủ vào luống vừa làm phân, vừa giữ ẩm cho cây sầu riêng. Nhờ canh tác theo hướng hữu cơ mà vườn sầu riêng của ông Cường phát triển tốt, cho năng suất cao.
Phỏng vấn Ông Lạ Cảnh Cường, Xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
Đây là vùng đất đỏ bazan cho nên rất màu mỡ nhưng mà ở đây lượng mưa cũng hơi nhiều, cho nên khi mình dùng hữu cơ để cho tươi xốp đất để cho rễ cây thở và tránh được ngập úng. Khi mình có thiên hướng về hữu cơ và mình thâm canh như vậy thì tất nhiên cây sẽ phát triển bền vững, lâu dài, nâng suất ổn định và giúp cho chất lượng sản phẩm được tốt hơn.
Còn tại khu vườn rộng hơn 125ha với gần 10.000 cây sầu riêng của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Hoàn Mỹ Tây Nguyên được canh tác theo hướng hữu cơ. Hiệu quả kinh tế bước đầu mang lại từ những mô hình phát triển theo hướng hữu cơ có thể xem là hướng đi thích hợp trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, khi tạo ra được những sản phẩm đạt năng suất, chất lượng và một điều quan trọng là góp phần tích cực trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Phỏng vấn Ông Trần Kim Tiền, TGĐ Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Hoàng Mỹ Tây Nguyên
Vườn của công ty chúng tôi gồm 125ha, gần 10.000 cây chủ yếu canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, 90% hữu cơ sử dụng phân trùn quế tây nguyên và chỉ sử dụng 10% vô cơ như NPK thôi. Việc sử dụng hữu cơ giúp ích cho người công nhân đi làm bảo vệ sức khỏe và sau này sản phẩm ra không dư tồn thuốc BVTV sẽ tốt cho người tiêu dùng và cộng đồng trong nền nông nghiệp. Việc chăm sóc hữu cơ giúp cho cây phát triển rất tốt và rất ít bị sâu bệnh.
Huyện Cư M’gar có diện tích đất nông nghiệp trên 36.000ha, trong đó diện tích sầu riêng trồng xen và trồng thuần hơn 4.000ha. Hiện người dân đang chuyển sang sản xuất theo hướng an toàn, canh tác theo hướng hữu cơ giúp cây sầu riêng được phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe cho người sản xuất.
Phỏng vấn Ông Võ Nhật Toàn, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar
Hiện nay phòng nông nghiệp cũng tham mưu cho UBND huyện, huyện ủy những kế hoạch, nghị quyết để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Trong đó nhằm mục đích tạo môi trường an toàn cho người lao động cũng như thâm canh các vườn cây được bền vững tiến đến sản xuất hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như giá cả cạnh tranh giúp các hộ dân được nâng cao lợi ích kinh tế của hộ.
Kính thưa quý vị.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có 2 huyện được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là “Sầu riêng Krông Pắc” và nhãn hiệu “Sầu riêng Cư M’gar”. Có 2 huyện đang xây dựng đề án và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là Krông Búk và Ea H’leo. Bộ NN-PTNT cũng như UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng như sổ tay hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây sầu riêng theo chuẩn VietGAP, hữu cơ. Hiện nay cơ quan chức năng cũng đang xây dựng quy chuẩn ngành hàng sầu riêng.
Những vườn sầu riêng đang canh tác theo hướng hữu cơ sẽ là điểm sáng để người nông dân học hỏi, làm theo. Nếu được canh tác theo hướng hữu cơ sẽ giúp cho ngành sầu riêng được phát triển bền vững. Việc này không chỉ giúp ngành mà giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ chính người trồng cũng như người tiêu dùng.
Xin cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi, hẹn gặp lại quý vị trong các chương trình sau.