Ở Bình Định hiện có hàng chục tàu cá vỏ thép 67 nằm bờ để chờ ngân hàng phát mãi, những thiết bị hiện đại trên tàu bị bọn trộm 'thổi bay' hàng đêm.
Rộ nạn trộm thiết bị trên tàu cá vỏ thép chờ phát mãi
Ở Bình Định hiện có hàng chục tàu cá vỏ thép 67 nằm bờ để chờ ngân hàng phát mãi, những thiết bị hiện đại trên tàu bị bọn trộm ‘thổi bay’ hàng đêm…
Thực hiện Nghị định 67/2014 của Chính phủ, các ngân hàng thương mại ở Bình Định, đã ký hợp đồng tín dụng với 62 ngư dân vay đóng mới 48 tàu vỏ thép, 6 tàu vỏ gỗ và 8 tàu composite cùng 1 tàu hành nghề với tổng số tiền cho vay 921 tỷ đồng. Quá trình hoạt động, vì nhiều lý do khác nhau nên nhiều chủ tàu đã bị ngân hàng kê biên tài sản, kiện ra tòa, bán phát mãi để thu hồi vốn.
Phỏng vấn Ông Nông Thành Điền – Chủ tàu BĐ 99478 TS, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định:
Trước kê biên thì thi hành án, ngân hàng bảo giữ giùm. Tuy nhiên, do không đi hoạt động, bản thân phải kiếm kế sinh nhai, không thể giữ tàu được...
Hiện ở Bình Định có 19 chủ tàu bị ngân hàng kiện. Đến nay đã có 4 tàu vỏ thép bị ngân hàng phát mãi thu hồi vốn, 15 tàu đang nằm chờ phát mãi. Sau khi ra tòa, cơ quan thi hành án kê biên xong, giao cho chủ tàu trông coi con tàu trong thời gian tàu nằm bờ. Thế nhưng, sau khi con tàu bị thu hồi, chủ tàu phải đi làm công việc khác để mưu sinh. Những con tàu này không người trông coi, dẫn đến bị kẻ gian lấy trộm nhiều thiết bị hiện đại trên tàu.
Phỏng vấn Ông Nông Thành Điền – Chủ tàu BĐ 99478 TS, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định:
Chiếc tàu của anh bị mất đến 330 cục tăng phô, mỗi cái tăng phô có giá từ 1,3-1,4 triệu đồng/cái; 5 cái ru lô nếu mua mới phải tốn đến 80-90 triệu đồng và nhiều thiết bị khác...
Bên cạnh việc bị kẻ gian lấy cắp thiết bị, nhiều tàu 67 cũng không tìm được người mua. Đã 1 năm trôi qua, 15 “tàu cá 67” của ngư dân Bình Định cũng bị ngân hàng thu hồi vẫn chưa tìm ra người mua. Lần thẩm định ban đầu, mỗi con tàu vỏ thép được định giá là 2 tỷ đồng. Trong khi hợp đồng đóng mới, những con tàu vỏ thép có giá ít nhất cũng 16 tỷ đồng, nên ngân hàng không đồng ý, thuê đơn vị khác thẩm định lại. Lần thẩm định sau, mỗi con tàu được định giá là 3,9 tỷ đồng. Thế nhưng với giá này không ai mua, những chiếc tàu vỏ thép vẫn phải chịu cảnh dầm mưa dãi nắng.
Phỏng vấn Ông Trần Công Bàng, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định:
Sau hai năm vẫn khó bán được vì giá trị cao, mua về không sửa chữa để đánh bắt được, ngoài ra, có hiện tượng mất mát tài sản. Có tàu giảm giá 6 lần vẫn chưa bán được...
Lại một mùa mưa bão sắp đến. Những con tàu 67 vẫn phải dầm mưa dãi nắng ở khu neo đậu cảng cá Đề Gi trước nguy cơ sóng gió, bị cuốn trôi, nhấn chìm. Số phận những con tàu vỏ sắt đóng theo Nghị định 67 đang là nỗi lo lớn của ngân hàng, ngư dân và chính quyền địa phương. Vẫn chưa có giải pháp nào khả thi cho vấn đề xử lý nợ xấu liên quan đến những con tàu này.