Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, sự lạm dụng kháng sinh trong sản xuất nông nghiệp sẽ tác động lớn tới sức khỏe con người và gây hệ lụy khôn lường.
Hiện nay, tình trạng kháng kháng sinh đang ngày càng gia tăng chưa có dấu hiệu dừng lại, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế, xã hội, sức khỏe cộng đồng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sự lây truyền của vi khuẩn kháng thuốc đã dẫn đến việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn trở nên kém hiệu quả hoặc thất bại, tác động không tốt tới lâm sàng và thậm chí dẫn tới tử vong. Đến năm 2050, ước tính có thể có tới 10 triệu ca tử vong mỗi năm nếu xu hướng hiện tại tiếp tục diễn ra. Do đó, công tác giáo dục và truyền thông thay đổi nhận thức và thực hành về việc sử dụng kháng sinh cần được thúc đẩy để ngăn chặn sự lạm dụng kháng sinh trong ngành y tế, chăn nuôi, thú y và cộng đồng.
Ông NGUYỄN VĂN LONG
Cục trưởng Cục Thú y
Động vật bao gồm cả trên cạn và dưới nước nếu sử dụng các loại kháng sinh không được kiểm soát, không theo quy định thì dẫn đến tất cả các vi sinh vật còn tồn tại trong môi trường, trong quần thể động vật có thể truyền tải các gen kháng thuốc sang vi sinh vật có thể lây bệnh sang người. Chúng ta đã biết con người cũng có rất nhiều dị bệnh khác nhau và như vậy các loại thuốc kháng sinh sử dụng cho con người sẽ không còn tác dụng. Thứ 2 là gây ra tồn dư không chỉ ảnh hưởng sức khoẻ của con người, sức khoẻ động vật mà còn làm ô nhiễm môi trường.
Các quy định pháp luật về hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, thú y đã được triển khai từ rất sớm. Bộ NN-PTNT không cho phép sử dụng kháng sinh với mục đích kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi kể từ ngày 1/1/2018 tới giờ và đang trong lộ trình giảm sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi, tiến tới cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh với mục đích phòng bệnh trong chăn nuôi.
Ông LÊ MINH HOAN
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chúng ta thấy hệ luỵ của sự lạm dụng kháng sinh để rồi nó kháng kháng sinh và tác động tới sức khoẻ con người. Như vậy câu chuyện này không phải là một ngành hàng nữa rồi. Đó là cả 1 hệ sinh thái con người chúng ta. Bộ NN-PTNT sẽ chi tiết hoá thành hành động cụ thể đề phòng rủi ro về dịch bệnh để cho nó đảm bảo được chất lượng thuỷ sản chung ta cũng như đảm bảo sức khoẻ của cộng đồng, đảm bảo sức khoẻ của môi trường tự nhiên của chúng ta.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xây dựng “Kế hoạch Phòng chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp trong giai đoạn 2021-2025”. Trong đó đã đề ra một số mục tiêu cụ thể như: Tăng cường năng lực quản lý kháng sinh và kháng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và trồng trọt; tiếp tục hoàn thiện và thực hiện các Quy trình thực hành tốt trong chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và trồng trọt để giảm thiểu lây nhiễm và lây lan vi sinh vật kháng kháng sinh trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường hợp tác liên ngành, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh theo cách tiếp cận Một sức khỏe.