Khởi công khu nông nghiệp công nghệ cao 700 tỉ đồng. Thừa Thiên Huế đứng đầu toàn quốc trong công tác phòng chống thiên tai. Tăng sức chống chịu vùng ven biển ĐBSCL bằng rừng ngập mặn. Mỹ Xuyên đặt mục tiêu 7 xã đạt nông thôn mới nâng cao năm 2022.
KHỞI CÔNG KHU NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO 700 TỈ ĐỒNG
Ngày 10/6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk tham dự lễ khởi công Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Thiện Cư M’gar tại địa bàn xã Ea Kpam, Huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Dự án khu nông nghiệp công nghệ cao có tổng mức đầu tư hơn 705 tỉ đồng, quy mô 107,6 ha, khi hoàn thành sẽ trở thành địa điểm thử nghiệm và lựa chọn sản xuất giống cây trồng chất lượng cao, sạch bệnh; cũng như hình thành trung tâm chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản; trở thành điểm tham quan học tập tri thức nông nghiệp và du lịch sinh thái;…..Theo kế hoạch, dự án khu nông nghiệp công nghệ cao sẽ được hoàn thành vào Quý IV năm sau và đưa sản phẩm đầu tiên ra phục vụ thị trường trong quý I/2024.Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khi đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hiện đại, bền vững và nâng cao giá trị gia tăng hàng nông sản, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
THỪA THIÊN HUẾ ĐỨNG ĐẦU TOÀN QUỐC TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
Ngày 10/6, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai có buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác phòng chống thiên tai năm 2022.Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục PCTT đánh giá cao công tác PCTT của tỉnh Thừa Thiên Huế, khi là địa phương đứng đầu toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai năm 2021, bảo vệ tốt cho sản xuất và sinh hoạt đời sống của người dân.Đoàn công tác cũng đề nghị chính quyền địa phương quan tâm, bố trí kinh phí cho công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và năng lực cho lực lượng làm công tác PCTT các cấp. Cũng như, thường xuyên kiểm tra, duy tu bảo dưỡng công trình đê, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển...
TĂNG SỨC CHỐNG CHỊU VÙNG VEN BIỂN ĐBSCL BẰNG RỪNG NGẬP MẶN
Chiều 10/6, Bộ NN-PTNT, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Châu Á - ADB tổ chức Hội thảo “Tăng cường khả năng chống chịu vùng ven biển thông qua trồng rừng ngập mặn tại ĐBSCL”.Ngân hàng Phát triển Châu Á và Chính phủ Hà Lan cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong tăng cường chống chịu của các vùng ven biển của ĐBSCL và khả năng phục hồi cho người dân.Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT đang xây dựng dự án “Khôi phục và quản lý bền vững rừng ven biển khu vực ĐBSCL nhằm tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu” tại 5 tỉnh ven biển là Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang, với tổng vốn dự kiến khoảng 64 triệu USD và sẽ được triển khai từ năm 2023 tới 2029.
MỸ XUYÊN ĐẶT MỤC TIÊU 7 XÃ ĐẠT NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO NĂM 2022
Mỹ Xuyên là địa phương đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được công nhận huyện nông thôn mới, trong tổng số 10 xã NTM của huyện Mỹ Xuyên có tới 3 xã được Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao gồm: Ngọc Đông, Tham Đôn và Hoà Tú 1.Huyện Mỹ Xuyên phấn đấu đến cuối năm 2022 có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: Ngọc Tố, Hoà Tú 2, Gia Hoà 2 và Đại Tâm, nâng tổng số xã nông thôn mới nâng cao lên 7 xã.Để đạt mục tiêu này, Huyện uỷ, UBND huyện Mỹ Xuyên chỉ đạo các ngành và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả; chỉnh trang nhà ở; vệ sinh môi trường và trồng hoa, cây xanh trên tất cả các tuyến đường; vận động người dân thực hiện tốt các phong trào, các cuộc vận động ở địa phương.