Nhờ nguồn nước dồi dào từ kênh Đông, những vườn cây trái của Tây Ninh luôn phát triển xanh tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
Ít ai nghĩ rằng, vườn hoa lan rộng hơn 2 héc ta đang vào độ khoe hương sắc này lại được trồng tại vùng đất đầy nắng Tây Ninh. Suốt gần 20 năm nay, vườn lan của anh Hoàng Hòa cung cấp cho thị trường hoa Tây Ninh gần 1.000 cành hoa lan mỗi ngày, giảm phụ thuộc phải nhập từ các tỉnh lân cận. Tất cả là nhờ vào lượng nước ngọt ở kênh đông tươi mát cho vùng đầy nắng này.
Phỏng vấn Anh Nguyễn Hoàng Hòa - Xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh: Khi đi mua kiếm đất là mua ngay mặt tiền kênh Đông luôn để mình tưới luôn được lượng nước ngọt rất là tốt. Cây hoa lan sẽ thích và phát triển tốt hơn so với việc là cứ phải dùng nước giếng khoan sẽ ảnh hưởng đến cây hoa lan. Nước giếng khoan thì có khu vực được, khu vực không được do phèn, độ pH thấp.
Bàu Đồn cũng được mệnh danh là thủ phủ sầu riêng tại Tây Ninh với khoảng 1.000 hecta. Trước đây, nước chưa được đưa về nội đồng và mạch nước ngầm chưa dồi dào nên việc trồng cấy gặp khá nhiều khó khăn. Từ khi có nguồn nước từ kênh Đông, cây trồng phát triển mạnh mẽ, bà con đỡ được thời gian chăm sóc và nhiều chi phí trồng cấy.
Phỏng vấn Anh Nguyễn Thành Minh - Xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh: Mấy năm trước thì có hạn hán nhưng mấy năm nay nhờ kênh thủy lợi có nước đều đều nên giữ được nước chân. Không có nước thủy lợi thì buộc mình phải bơm nước vô mương, tốn nhiều chi phí. Còn mình lấy nước thủy lợi, thì thời gian đó mình đi làm việc khác được.
Kênh Đông thuộc hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa. Kênh có chiều rộng trên 6m, tổng chiều dài các kênh tưới bao gồm kênh chính, kênh nội đồng với tổng chiều dài hơn 500 km, trong đó gồm 200 km kênh tiêu. Công trình thủy lợi kênh Đông đã góp phần to lớn trong việc khai thác tổng hợp nguồn nước phục vụ đa mục tiêu theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và dân sinh không chỉ cho Tây Ninh mà cả khu vực Củ Chi, Hóc Môn của TP.HCM.
Phỏng vấn Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh: Nếu không có thủy lợi thì nông nghiệp Tây Ninh sẽ không còn phát triển được. Cơ bản là chúng ta đã đáp ứng được phần lớn nước tưới trực tiếp trên tỉnh Tây Ninh. Nước này còn nâng cấp thủy cấp, làm cho nước ngầm tương đối phong phú, khá gần với mặt đất để cho người dân có thể khai thác trực tiếp.
Tây Ninh đang chú trọng phát triển nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao. Việc lợi thế từ nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa không chỉ thuận lợi cho việc trồng trọt mà còn cả về chăn nuôi, thủy sản, công nghiệp và dân sinh. Do đó, vấn đề thủy lợi được coi là huyết mạch, xương sống của việc phát triển kinh tế Tây Ninh.