Lâm Đồng lên kế hoạch nâng cao năng lực sản xuất giống, áp dụng công nghệ vào sản xuất hướng đến phát triển 55ha cá tầm vào năm 2025 với sản lượng 2.500 tấn.
Lâm Đồng nâng cao năng lực sản xuất giống cá tầm
Lâm Đồng lên kế hoạch nâng cao năng lực sản xuất giống, áp dụng công nghệ vào sản xuất hướng đến phát triển 55ha cá tầm vào năm 2025 với sản lượng 2.500 tấn.
Kính thưa quý vị và các bạn! Lâm Đồng là địa phương có tiềm năng, lợi thế trong phát triển cá nuóc lạnh. Minh chứng cho thấy là địa phương hiện có khoảng 50ha cá tầm với tổng sản lượng lên đến 2 nghìn tấn/năm. Mặc dù cá tầm có giá trị kinh tế cao, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Lâm Đồng nhưng địa phương đang gặp khó khăn trong vấn đề chủ động nguồn giống.
Lâm Đồng có độ cao trung bình từ 600 - 1.500 mét so với mặt nước nước biển, nhiệt độ trung bình từ 18 – 24 độ C. Đây là điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển các giống cá nước lạnh, đặc biệt là cá tầm. Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 50ha cá tầm với trên 25 trang trại và 35 hộ nuôi. Vùng phát triển loại cá này của tỉnh tập trung tại các huyện như Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh và thành phố Đà Lạt vói các hình thức nuôi phổ biến là xây bể xi măng, sử dụng bể composite, đào ao lót bạt hoặc nuôi lồng bè.
Ông PHẠM PHI LONG, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản Lâm Đồng
Tỉnh Lâm Đồng xác định, đến năm 2025 diện tích nuôi cá nước lạnh của tỉnh sẽ đạt 55 ha và sản lượng đạt trên 2.500 tấn, đáp ứng cho các thị trường trong nước. Để đạt được những kế hoạch đó thì chúng tôi đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật trong lĩnh vực lai tạo giống cũng như quá trình nuôi trồng. Ví dụ như lai tạo giống con để chủ động nguồn giống cung cấp cho thị trường, sử dụng các công nghệ trong nuôi trồng như sông trong ao để tránh những tiêu cực của thời tiết. Tổ chức lại việc tiêu thụ sản phẩm gắn với việc nuôi trồng đến tiêu thụ, hình thành những chuỗi liên kết bền vững theo định hứơng của UBND tỉnh.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, nghề nuôi cá nước lạnh của địa phương bắt đầu từ năm 2006 và đến nay tỉnh đã có quy hoạch phát triển tổng thể. Trên địa bàn tỉnh hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất quy mô lớn. Đồng thời xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, tạo ra giá trị, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển vẫn còn gặp khó khăn trong vấn đề nguồn cá giống. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã như Cá tầm Việt Đức, Công ty Cổ phần Cá tầm Việt Nam, Công ty Phi Huỳnh, Ngọc Mai Trang… đã chủ động đầu tư trang thiết bị sản xuất giống hoặc nhập khẩu trứng giống về nuôi ấp nở. Theo đó, mỗi năm các cơ sở này sản xuất khoảng 1,5 - 2 triệu con giống đáp ứng nhu cầu sản xuất tại địa phương.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, nguồn cá giống hiện nay chỉ đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất. Còn lại các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân phải tìm nguồn giống từ các nhà phân phối, nhập khẩu từ các quốc gia khác trên thế giới.
Ông PHẠM PHI LONG, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản Lâm Đồng
Về nguồn giống cá nước lạnh thì Lâm Đồng là một trong những địa phương có cơ quan nghiên cứu giống cá nước lạnh Trung tâm Quốc gia giống thuỷ sản miền Trung – Tây Nguyên (thuộc Viện 3). Đây là một trong những đơn vị đi đầu nghiên cứu giống cá nước lạnh phục vụ cho thị trường Lâm Đồng nói riêng, cả nước nói chung. Về cơ bản, hiện tại nguồn trứng này mới đáp ứng được khoảng 30%, số còn lại là phải nhập khẩu. Đứng trước khó khăn này, thời gian tới chúng tôi sẽ xây dựng, hô trợ 1 doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu các giống cá để cung ứng trên địa bàn. Hy vọng đến 2025 sẽ nâng cao năng lực sản xuất cá giống để đảm bảo ít nhất khoảng 50% cá giống cho địa bàn toàn tỉnh.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, hiện nay do năng lực sản xuất giống còn thấp nên nguồn trứng cá giống phải nhập từ nước ngoài vào. Điều này dẫn đến việc giá con giống đáp ứng nhu cầu sản xuất còn ở mức cao. Do vậy, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, nuôi cá bố mẹ để sản xuất trứng tại chỗ. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất giống để chủ động trong nuôi trồng.
Để đạt 55 ha diện tích nuôi cá tầm với sản lượng đạt trên 2.500 tấn vào năm 2025, tỉnh Lâm Đồng lên kế hoạch phát triển các vùng nuôi công nghệ cao. Đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất con giống có năng suất, chất lượng và thích ứng với điều kiện khí hậu, nguồn nước tại từng khu vực. Ngành nông nghiệp cũng tăng cường kiểm soát dịch bệnh và dự báo môi trường, phát triển mở rộng diện tích và lồng nuôi tại các hồ chứa, đập thủy lợi.