Chị Lê Khắc Đông Nghi đi từ Tiền Giang ra Hà Nội tìm mua 10 con dê giống Saanen nuôi thử nghiệm. Sau gần 10 năm nghiên cứu đã làm ra các sản phẩm từ sữa dê đạt chất lượng OCOP độc đáo.
Tiền Giang: Mô hình nuôi dê lấy sữa đạt hiệu quả cao
Nhận thấy sữa dê có giá trị dinh dưỡng cao, thị trường khan hiếm, năm 2014, chị Lê Khắc Đông Nghi đến tận Trung tâm Khuyến nông Sơn Tây (Hà Nội) tìm mua được 10 con dê giống Saanen chuyên lấy sữa có nguồn gốc Thụy Sĩ về nuôi thử nghiệm.
Sau khi chăn nuôi thành công mô hình, số lượng dê ngày một lớn, sản lượng sữa tạo ra ngày càng nhiều. Chị Nghi còn tìm tòi, nghiên cứu chế biến sữa dê thành các sản phẩm OCOP độc đáo như sữa chua, bánh flan, sữa dê kết hợp sầu riêng, thanh long sây thăng hoa.
Đặc biệt, để tạo nguồn nguyên liệu ổn định sản xuất, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tháng 10/2020, HTX nông nghiệp Đông Nghi được thành lập. Các thành viên được HTX cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, thu mua sữa tươi với giá ổn định. Đến nay, HTX đã phát triển được 10 thành viên với tổng đàn dê Saanen trên 500 con.
Anh Trần Văn Men Thành Viên HTX Đông Nghi
“Hồi trước tôi trồng dừa và nuôi dê bo nhưng hiệu quả không cao, thấy HTX nuôi dê sữa có hiệu quả tôi mới tham gia HTX. Bên dê bo phải tới lứa tới đợt mới xuất bán được còn bên dê lấy sữa này có thể bán sữa hàng ngày. Hiện đàn dê của tôi khoàng 100 con, năng suất cho sữa 1 ngày trên 100 ký, mỗi ký HTX thu mua 30 ngàn lợi nhuận tôi thấy ổn định”
Chị Lê Khắc Đông Nghi Giám đốc HTX Đông Nghi
“Để sản phẩm của HTX được biết đến nhiều HTX mạnh dạn đăng ký sản phẩm OCOP, qua quá trình thực hiện đúng tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP của tỉnh Tiền Giang, HTX được UBND tỉnh chứng nhận 6 sản phẩm OCOP. Hiện HTX có đang có 10 thành viên, HTX phấn đấu sang năm sau thêm 20 thành viên nữa để tăng nguyên liệu, tăng các sản phẩm từ sữa dê vì hiện nay thị trường sản phẩm sữa dê của HTX đang lớn mạnh ở miền Nam, và định hướng sắp tới sẽ tiến đến thị trường miền Bắc”
Theo Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, hiện tổng đàn dê của tỉnh khoảng 140.000 con, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2015. Bên cạnh dê thịt, mô hình dê sữa và chế biến thành các sản phẩm OCOP được xem là mô hình nhiều triển vọng trong thây đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập cho người nông dân địa phương.
Ông Võ Văn Lập Chi cục Trưởng Chi cục PTNT tỉnh Tiền Giang
“HTX này họ gắn chế biến, gắn với các sản phẩm đặc trưng của trái cây như xoài cát Hòa Lộc, gắn với sầu riêng thậm chí gắn với thanh long vùng Tiền Giang. Chúng tôi đánh giá rất cao mô hình này, sắp tới sẽ nhân rộng ra giúp cho HTX đủ nguồn nguyên liệu chế biến, từng bước chiếm lĩnh thị trường”
Được biết, nhận thấy tiềm năng và triển vọng của nghề chăn nuôi dê thích ứng biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã quan tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - kỹ thuật nhằm thúc đẩy phát triển đàn dê, Cách làm này giúp nông dân gắn bó lâu dài với nghề nuôi dê nói chung, dê sữa nói riêng, phù hợp chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.đưa nông nghiệp - nông thôn - nông dân đi lên.