Lan toả lợi ích của nông nghiệp thông minh giảm phát thải tới gần nông dân. Xuất khẩu cá tra 7 tháng vượt chỉ tiêu cả năm 2022. Trái cây tại ĐBSCL đồng loạt tăng giá gấp 2-3 lần. Xuất khẩu cua ghẹ tăng 76% tại thị trường Trung Quốc.
LAN TOẢ LỢI ÍCH CỦA NÔNG NGHIỆP THÔNG MINH GIẢM PHÁT THẢI TỚI GẦN NÔNG DÂN
Chiều 16/8, Báo Nông nghiệp Việt Nam ký Biên bản hợp tác truyền thông, tổ chức sự kiện và diễn đàn kết nối nông sản với Công ty CP Đại Thành.
Lễ Ký kết diễn ra ngay trước thềm sự kiện quốc tế về cơ giới hóa, hướng tới nền nông nghiệp bền vững tại Cần Thơ vào ngày 25/8.
Theo Ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, buổi lễ vừa là một cách chào mừng ngày hội lớn của ngành nông nghiệp, vừa củng cố quan hệ trước đây và đặt nền móng cho hợp tác lâu dài giữa hai đơn vị sau này.
Ông Nguyễn Đức Trường, Tổng Giám đốc Công ty Đại Thành hy vọng, Là cơ quan ngôn luận của Bộ NN-PTNT, Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ lan tỏa nhiều công nghệ mới, bên cạnh các biện pháp canh tác lúa thông minh.
Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa hai bên sẽ góp tiếng nói để ngành nông nghiệp nói chung tiến tới phát triển xanh, phát triển bền vững, giúp Việt Nam thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 tại COP 26.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong ngành nông nghiệp, Công ty Đại Thành là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số, cũng như cung cấp những dịch vụ hiện đại như máy bay không người lái, hiện là một trong những định hướng mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp của doanh nghiệp.
XUẤT KHẨU CÁ TRA 7 THÁNG VƯỢT CHỈ TIÊU CẢ NĂM 2022
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam – VASEP, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt khoảng 1,6 tỷ USD, tăng 79% so với cùng kỳ và bằng dự báo xuất khẩu cả năm 2022 của Bộ NN-PTNT.
Đáng chú ý, xuất khẩu cá tra sang Liên minh châu Âu-EU, đạt gần 122 triệu USD, tăng 91% so với cùng kỳ và đã vượt kim ngạch cả năm 2021 là 106 triệu USD.
Xuất khẩu cá tra có được kết quả ấn tượng này là nhờ nhu cầu các thị trường lớn như EU, Mexico và Trung Quốc tăng mạnh. Đồng thời, giá xuất khẩu sang hai thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng neo ở mức cao so với các năm trước.
TRÁI CÂY TẠI ĐBSCL ĐỒNG LOẠT TĂNG GIÁ GẤP 2-3 LẦN
So với tháng trước, giá bán lẻ nhiều loại trái cây tại Cần Thơ và nhiều tỉnh thành ĐBSCL như chôm chôm, xoài, thanh long, mãng cầu ta... hiện tăng từ 5.000-20.000 đồng/kg và đang ở mức khá cao.
Tại nhiều chợ và điểm bán lẻ, thanh long loại 1 hiện ở mức 20.000-25.000 đồng/kg, trong khi trước đây chỉ 8.000-12.000 đồng/kg.
Chôm chôm từ mức chỉ 15.000-23.000 đồng/kg, nay đã tăng lên 40.000-45.000 đồng/kg.
Trong khi đó, mãng cầu ta loại 1 có giá 60.000-70.000 đồng/kg, bưởi da xanh loại 1 ở mức 50.000-57.000 đồng/kg, xoài Cát Chu có giá 55.000-59.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc 100.000-105.000 đồng/kg…
Giá nhiều loại trái cây tăng do nguồn cung giảm vì đã hết vụ thu hoạch, trong khi nhu cầu phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đang tăng mạnh.
XUẤT KHẨU CUA GHẸ TĂNG 76% TẠI THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC
Tại Cà Mau, giá cua được thương lái thu mua ở vườn hiện ở mức 500.000 - 600.000 đồng/kg tùy loại. Tại một số chợ ở TP.HCM, giá cua thịt loại 3 con/kg có dây cột khoảng 450.000, loại 2 con/kg từ 540.000 - 585.000 đồng/kg, tùy nơi.
Trong khi đó, tại các chuỗi cửa hàng hải sản, giá cua thịt loại trên nửa cân một con là 750.000 đồng/kg, cua gạch 850.000 đồng/kg.
Tương tự, giá ghẹ xanh loại 1 cũng ở mức khoảng 750.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP, tính tới giữa tháng 7, xuất khẩu cua ghẹ của cả nước đạt trên 111 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường tăng trưởng mạnh nhất, với 37 triệu USD, tăng 76% so với cùng kỳ.
VASEP cũng nhận định, giá cua ghẹ ở trong nước tăng cao do nguồn cung hạn chế vì nhu cầu xuất khẩu ở các thị trường quan trọng.