Gia Lai: Tăng cường quản lý thị trường trước Tết Nguyên đán. Hơn 420.000 đồng một cặp dưa lưới khắc chữ. Bạc Liêu: Các cơ sở sản xuất muối sôi động ngày cuối năm. Bắc Kạn: Phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp trên 4,3% năm 2025.
Gia Lai: Tăng cường quản lý thị trường trước Tết Nguyên đán
Tuấn Anh sản xuất
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tỉnh Gia Lai đang tập trung siết chặt kiểm soát thị trường, đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định và an toàn thực phẩm. Theo Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, sức mua tăng mạnh, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ cuối năm ước đạt hơn 6.200 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã dự trữ hàng hóa thiết yếu trị giá trên 17.000 tỷ đồng, tập trung vào lương thực, thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Lực lượng quản lý thị trường cũng đã mở các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý 76 vụ vi phạm, thu giữ và tiêu hủy hàng nghìn sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tiếp tục được triển khai, giúp người dân vùng sâu, vùng xa có điều kiện mua sắm đầy đủ và an toàn. Những nỗ lực đồng bộ từ cơ quan chức năng và doanh nghiệp đang góp phần mang lại một cái Tết đủ đầy, an toàn và trọn vẹn cho người dân.
Hơn 420.000 đồng một cặp dưa lưới khắc chữ
Kim Anh sản xuất
Để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2025, nhà vườn trồng dưa lưới ở huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng đã khéo léo tạo hình cho trái dưa bằng cách khắc chữ lên trái.
Anh Nguyễn Hoàng Duy ở xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị đã chuẩn bị sẵn sàng 8 tấn dưa lưới phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2025, đặc biệt có hơn 1.000 cặp dưa đã được khắc chữ.
Đến thời điểm này, giá dưa lưới khắc chữ ở mức khá cao từ 420.000 – 450.000 đồng/kg. Chia sẻ về kỹ thuật khắc chữ trên dưa, anh Duy cho biết, khi dưa đạt trọng lượng từ 1,6 - 1,7kg là thời điểm thích hợp nhất để khắc chữ, vì lúc này vỏ có độ dày vừa phải, nhanh lành vết khắc.
Ước tính vụ dưa Tết năm nay, anh Duy có thu nhập trên 500 triệu đồng. Hiện nhà vườn đang tất bật chăm sóc vườn để cung ứng sản phẩm dưa lưới khắc chữ ra thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp tết.
BẠC LIÊU: CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT MUỐI SÔI ĐỘNG NGÀY CUỐI NĂM
Văn Vũ sản xuất
Những ngày này, trên những cánh đồng muối ở tỉnh Bạc Liêu, không khí lao động đang diễn ra sôi động. Nhiều cơ sở sản xuất muối tại các huyện Đông Hải, Hòa Bình, và Phước Long đã hoàn tất các công đoạn cuối cùng để chuẩn bị cung ứng muối cho thị trường Tết Nguyên đán 2025.
Bạc Liêu với diện tích canh tác hơn 1.400 ha, sản lượng hơn 70.000 tấn/năm. Theo các cơ sở sản xuất muối, nhờ áp dụng các phương pháp sản xuất hiện đại, chất lượng muối được đánh giá cao hơn, đáp ứng tốt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài muối ăn truyền thống, nhiều cơ sở còn tập trung sản xuất các sản phẩm muối chế biến như muối tôm, muối ớt, muối chanh để phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trong dịp Tết.
Hiện các thương lái từ các tỉnh, thành đã bắt đầu đến thu mua, hứa hẹn mang lại mùa Tết bội thu cho diêm dân. Đây cũng là tín hiệu tích cực, góp phần ổn định đời sống và phát triển kinh tế địa phương.
Bắc Kạn: Phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp trên 4,3% năm 2025
Ngọc Tú sản xuất
Năm 2025, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu tăng trưởng khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 4,3%. Để đạt được kết quả này, ngành nông nghiệp Bắc Kạn xây dựng kịch bản trong quý I đạt giá trị hơn 664 tỷ đồng.
Trong đó tập trung khai thác sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, thực hiện các dự án phát triển dược liệu thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong quý II tập trung thu hoạch vụ xuân, tăng tốc thực hiện các dự án chăn nuôi, phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp quý II đạt gần 1.333 tỷ đồng. Quý III và quý IV sẽ tăng tốc về đích với tổng giá trị sản xuất trong hai quý này với giá trị gần 3.000 tỷ đồng. Trong năm 2025, ngành nông nghiệp Bắc Kạn cũng sẽ triển khai một loạt các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp.