Rực rỡ sắc màu tại Lễ hội hoa xuân Sa Đéc 2025. Hậu Giang: Giá khoai lùn tăng gần 30%. Nguy cơ thiếu hụt dừa nguyên liệu. Giá gạo xuất khẩu xuống mức thấp nhất trong 2 năm.
RỰC RỠ SẮC MÀU TẠI LỄ HỘI HOA XUÂN SA ĐÉC 2025
LÊ HOÀNG VŨ
UBND TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức Lễ khai mạc Lễ hội Hoa Xuân thành phố Sa Đéc năm 2025 với chủ đề: “Sa Đéc - Nơi bốn mùa khoe sắc”. Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 14/1 đến hết ngày 20/1/2025 với chuỗi các hoạt động như: Lễ tri ân tiền nhân và tôn vinh nghề trồng hoa kiểng; hoạt động ẩm thực đường phố; Thi thời trang hoa chủ đề “Sắc màu Sa Giang”; Lễ tri ân tiền nhân và tôn vinh nghề làm bột gạo Sa Đéc; Hội thi kỹ năng tay nghề “bẻ bột gạo truyền thống”; Hội thi và trưng bày sinh vật cảnh ĐBSCL…
Lãnh đạo thành phố Sa Đéc kỳ vọng lễ hội sẽ là dịp để thành phố quảng bá, giới thiệu đến du khách những nét đẹp, nét đặc trưng của quê hương Sa Đéc đồng thời là chất xúc tác để du lịch TP Sa Đéc nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
HẬU GIANG: GIÁ KHOAI LÙN TĂNG GẦN 30%
Những ngày cận Tết Nguyên đán 2025, không khí thu hoạch khoai lùn tại tỉnh Hậu Giang trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Hiện nay, giá khoai lùn trên thị trường đang ở mức cao, dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức giá này, 1.000m trồng khoai lùn giúp người nông dân thu lãi từ 20 - 25 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Theo ghi nhận, năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, khoai lùn đạt năng suất cao, củ to, đều, chất lượng tốt. Nhiều bà con nông dân chia sẻ, nhờ giá cả ổn định và đầu ra thuận lợi, vụ mùa năm nay được xem là "mùa vàng" giúp họ có thêm thu nhập để đón Tết đủ đầy. Ngoài thị trường nội địa, khoai lùn Hậu Giang còn được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh thành lân cận.
NGUY CƠ THIẾU HỤT DỪA NGUYÊN LIỆU
Cả nước hiện có khoảng 200.000 ha dừa, đứng thứ 7 trong 93 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng ngành chế biến dừa trong nước đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu do phần lớn sản phẩm dừa tươi được xuất khẩu thô. Để bảo vệ ngành chế biến, các doanh nghiệp đề xuất cần đánh thuế nguyên liệu xuất thô. Bởi các quốc gia xuất khẩu dừa lớn trong khu vực đều đã cấm xuất khẩu dừa nguyên liệu hoặc đánh thuế tới 80%.
Bên cạnh đó, Hiệp hội dừa Việt Nam cũng đề xuất cần có giải pháp để liên kết được doanh nghiệp và nông dân nhằm hình thành nên những vùng nguyên liệu quy mô, đạt tiêu chuẩn, bởi hiện nay diện tích dừa hữu cơ cả nước mới chỉ chiếm hơn 12% trong tổng diện tích.
GIÁ GẠO XUẤT KHẨU XUỐNG MỨC THẤP NHẤT TRONG 2 NĂM
Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang được chào bán với giá 434 USD/tấn, thấp nhất trong vòng hơn 2 năm qua và thấp hơn cả gạo của Ấn Độ, Thái Lan và Pakistan. Số liệu từ sàn giao dịch hàng hoá Việt Nam cho thấy từ cuối năm 2024 đến nay, giá gạo 5% tấm liên tục giảm từ 624 USD/tấn xuống còn 434 USD, thấp nhất từ tháng 10/2022.
Theo Bộ Công thương, giá gạo giảm là do nhu cầu từ Indonesia và Philippines giảm, cùng với việc Ấn Độ nối lại xuất khẩu gạo đã khiến ngành hàng lúa gạo rơi vào thực trạng cung vượt cầu. Do đó, Bộ Công thương khuyến cáo các doanh nghiệp theo dõi kỹ diễn biến thị trường gạo thế giới, để linh hoạt ứng phó.