Cần siết chặt quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm toàn chuỗi sản xuất. Bạc Liêu đã sẵn sàng cho Festival muối năm 2025. Bình Thuận: Đồng bào Chăm hăng hái sản xuất lúa giảm phát thải. Lợi nhuận cao hơn 32,3% nhờ canh tác lúa phát thải thấp.
Tin: CẦN SIẾT CHẶT QUẢN LÝ AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM TOÀN CHUỖI SẢN XUẤT
Đức Minh sản xuất
Chiều 15/1, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tổ chức họp báo cập nhật thông tin việc phát hiện giá đỗ có sử dụng hóa chất ngoài danh mục cho phép tại tỉnh Đắk Lắk.
Qua vụ việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu các cơ quan cần rà soát lại tổng thể, toàn bộ chuỗi từ sản xuất, sơ chế đến phân phối, nhằm phát hiện và khắc phục các kẽ hở.
Thứ trưởng chỉ rõ, cần được quản lý chặt chẽ hơn các cơ sở sản xuất, cơ quan cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và chuỗi phân phối và tiêu thụ. Đồng thời cần xem xét lại tính hiệu quả của các biện pháp xử phạt hiện hành, áp dụng hình thức giám sát toàn diện để nâng cao tính răn đe.
Trước đó, Cơ quan Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 đối tượng là chủ của 6 cơ sở làm giá đỗ, có hành vi sử dụng chất cấm gây mất an toàn thực phẩm nghiêm trọng.
Tin BẠC LIÊU ĐÃ SẴN SÀNG CHO FESTIVAL MUỐI NĂM 2025
Kim Anh sản xuất
Festival Nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 sẽ được tổ chức từ ngày 6-8/3/2025 tại Bạc Liêu. Để tổ chức Festival thành công, năm 2024, Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu đã triển khai thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối huyện Đông Hải; chuẩn bị các điều kiện phục vụ tổ chức Festival Nghề muối Việt Nam – Bạc Liêu năm 2025. Với mục tiêu xây dựng thương hiệu muối Bạc Liêu và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất muối, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị hạt muối, đa dạng hóa sản phẩm, mô hình từ muối…
Hiện nay, các bước chuẩn bị cho Festival Nghề muối Việt Nam – Bạc Liêu năm 2025 đã cơ bản hoàn tất; nhất là hạ tầng nghề muối, khu vực trưng bày, trải nghiệm nghề làm muối đảm bảo hoàn thiện đúng tiến độ dự kiến. Thành công của sự kiện lần này sẽ góp phần quảng bá, lan tỏa giá trị hạt muối, từng bước nâng cao mức sống của bà con diêm dân trên địa bàn.
BÌNH THUẬN: ĐỒNG BÀO CHĂM HĂNG HÁI SẢN XUẤT LÚA GIẢM PHÁT THẢI
Văn Vũ sản xuất
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận phối hợp Công ty Cổ phần Net Zero Carbon đã tổng kết quy trình Canh tác lúa thông minh giảm phát thải khí nhà kính (BNS). Tại đây, những nông dân tiên phong tham gia mô hình ở xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình đã nhận được tổng số tiền thưởng 6 triệu đồng nhờ nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp và chính quyền địa phương canh tác lúa giảm phát thải.
Mô hình BNS được triển khai trong vụ mùa năm 2024, trên quy mô 3,35ha và nhận được sự hưởng ứng, tham gia của 11 hộ đồng bào dân tộc Chăm. Kết quả nổi bật mô hình BNS ghi nhận được là năng suất tăng hơn 4 tạ/ha so với sản xuất lúa đại trà ở địa phương. Bên cạnh đó, tổng chi phí sản xuất từ mô hình cũng giảm hơn 1,5 triệu đồng/ha, thúc đẩy lợi nhuận tăng 20%. Đáng chú ý, mô hình BNS còn giảm 12,11 tấn CO₂e, tương đương khoảng 3,6 tấn CO₂e/ha, mang lại lợi ích cả về kinh tế và môi trường.
LỢI NHUẬN CAO HƠN 32,3% NHỜ CANH TÁC LÚA PHÁT THẢI THẤP
Lê Hoàng Vũ – Văn V sản xuất
Hiện nay các mô hình thí điểm triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao đã được thực hiện tại 5 tỉnh, thành vùng ĐBSCL từ vụ hè thu và thu đông 2024. Các mô hình đã khẳng định hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính, nông dân nâng cao được hiệu quả sản xuất và tăng lợi nhuận. Trên cơ sở đó, các địa phương vùng ĐBSCL đã và đang tích cực đẩy mạnh nhân rộng mô hình.
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, địa phương đã triển khai mô hình trong vụ thu đông 2024 và vụ lúa mùa trồng trên đất lúa-tôm, kết quả cho thấy nông dân đạt được lợi nhuận cao hơn 32,3% so với bên ngoài mô hình nhờ sạ thưa, tiết kiệm nước bằng áp dụng tưới ngập khô xen kẽ, cây lúa chắc khỏe, không bị đổ ngã, năng suất, chất lượng đạt cao và bán được giá cao hơn 40% so với bên ngoài.