Gia Lai: Chở mía quá tải, nhiều tài xế bị tước giấy phép lái xe. Số hóa dữ liệu, giảm thiểu lãng phí tài nguyên. Siết chặt quản lý mã số vùng trồng. Đặc sản chuối mật mốc khan hàng, giá cao.
GIALAI: CHỞ MÍA QUÁ TÀI, NHIỀU TÀI XẾ BỊ TƯỚC GIẤY PHÉP LÁI XE
TUẤN ANH
Tình trạng xe quá khổ, quá tải chở nông sản luôn là vấn đề “nóng” ở các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là mùa thu hoạch mía. Để giải quyết thực trạng này, ngay từ đầu niên vụ 2024 – 2025, lực lượng chức năng Gia Lai đã phối hợp với các huyện phía Đông, Đông Nam của tỉnh và các nhà máy đường vận động hơn 350 doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải và lái xe ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Các chốt chặn kiểm soát cũng được triển khai ngay tại điểm thu mua và xuất phát, giúp phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm. Ngoài ra, để đối phó tình trạng lách luật, lực lượng chức năng còn triển khai các tổ tuần tra sử dụng cân lưu động, kiểm tra tải trọng linh hoạt tại các khu vực trọng điểm.
Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện, lập biên bản trên 1.000 trường hợp vi phạm, xử phạt hơn 1.290 trường hợp liên quan đến xe quá khổ, quá tải, với tổng số tiền phạt gần 6 tỷ đồng và tước 169 giấy phép lái xe. Riêng trong niên vụ này, có 151 trường hợp vi phạm bị xử lý, với số tiền phạt 662 triệu đồng, tước 35 giấy phép lái xe.
SỐ HÓA DỮ LIỆU, GIẢM THIỂU LÃNG PHÍ TÀI NGUYÊN
THANH THỦY
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Văn phòng Bộ NN-PTNT diễn ra chiều 13/1, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ghi nhận và đánh giá cao sự đồng hành, nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên khối văn phòng. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng chỉ ra những thành công trong cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và đảm bảo an ninh mạng, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Đồng thời, nhấn mạnh chuyển đổi số là một tiến trình không thể đảo ngược và là yếu tố then chốt trong việc nâng cao hiệu quả xuất khẩu nông sản.
Năm 2024, Văn phòng Bộ đã đạt được nhiều kết quả tích cực như cắt giảm thủ tục và nâng cao hiệu quả xử lý hồ sơ. Định hướng dư luận và xử lý tốt các vấn đề nổi cộm như trường hợp liên quan đến vaccine tại Lâm Đồng. Đẩy mạnh số hóa dữ liệu, xây dựng văn phòng điện tử và giảm thiểu lãng phí tài nguyên giấy. Trong năm 2025, văn phòng đề xuất đẩy mạnh xây dựng chính phủ số, vượt qua mô hình chính phủ điện tử, với mục tiêu triển khai hạ tầng số và hệ thống dữ liệu điện tử đồng bộ, thông suốt. Dự kiến 1/3 khối văn phòng hoàn thiện việc thay đổi tên miền, email công vụ và chuyển đổi dữ liệu điện tử.
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Võ Văn Hưng nhấn mạnh, năm 2025 sẽ có nhiều sự kiện quan trọng của ngành nông nghiệp. Do đó, Văn phòng Bộ NN-PTNT cần triển khai công việc một cách hợp lý, đảm bảo tính liên tục và hiệu quả hoạt động của bộ máy. Đặc biệt trong bối cảnh có sự thay đổi lớn về cơ cấu tổ chức.
SIẾT CHẶT QUẢN LÝ MÃ SỐ VÙNG TRỒNG
QUANG DŨNG
Cục Bảo vệ thực vật vừa có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố; các Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng; đại diện các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói về việc tăng cường quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu. Theo đó, từ ngày 20/1/2025, Cục Bảo vệ thực vật cũng đề nghị: Chủ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nếu không trực tiếp xuất khẩu, mà cho phép các tổ chức/cá nhân khác xuất khẩu sản phẩm từ vùng trồng và đóng gói tại cơ sở đóng gói của mình, phải chủ động gửi thông báo bằng văn bản về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh.
Trước đó, Cục Bảo vệ thực vật đã nhận được cảnh báo đối với lô hàng sầu riêng và mít xuất khẩu từ Việt Nam không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu, -đặc biệt là của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC). Điều này đã làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam. Việc kiểm soát chặt chẽ, đảm minh bạch các thông tin về mã số vùng trồng sẽ góp phần đảm bảo góp phần giữ vững thương hiệu nông sản Việt Nam.
ĐẶC SẢN CHUỐI MẬT MỐC KHAN HÀNG, GIÁ CAO
VÕ DŨNG
Những ngày giữa tháng Chạp, thương lái tại xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đang thu mua chuối mật mốc với giá 5000 đến 6.000 đồng/kg; tương đương từ 300 đến 400.đồng/buồng chuối mật mốc loại đẹp.
Theo các thương lái, đây là mức giá cao hơn nhiều so với cùng thời điểm này những năm trước. Nguyên nhân, một phần là do tâm lý găm hàng chờ tết của nông dân, một phần do diện tích chuối mật mốc tại Lào mất mùa nên giá chuối tăng cao trong suốt thời gian qua.
Huyện Hướng Hóa hiện có khoảng 3.000 ha chuối mật mốc. Ngoài ra, một số hộ dân còn sang Lào thuê đất trồng chuối. Chuối mang lại nguồn thu nhập chính của người dân các xã vùng Lìa huyện Hướng Hóa.