Sóc Trăng: Vú sữa bơ hồng đạt sản lượng 25-30 tấn/ha. Chợ nổi Cái Răng nhộn nhịp ngày giáp Tết. Hương đen lưu giữ vị Tết cổ truyền. Làng nghề hoa giấy Phù Đổng rực rỡ ngày cận Tết.
SÓC TRĂNG:VÚ SỮA BƠ HỒNG ĐẠT SẢN LƯỢNG 25-30 TẤN/ HA
Kim Anh sản xuất
Thời điểm này đang vào chính vụ thu hoạch vú sữa bơ hồng ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Tại HTX nông nghiệp Xóm Đồng 2, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, không khí thu hoạch rất rộn ràng, khi vụ mùa năm nay tương đối thuận lợi, vú sữa bơ hồng đạt năng suất cao, trái to, đẹp.
Ông Trần Văn Phương, Giám đốc HTX nông nghiệp Xóm Đồng 2 chia sẻ, năm nay tình hình thời tiết thuận lợi cho cây vú sữa bơ hồng phát triển, ước tính sản lượng đạt từ 25 – 30 tấn/ha, giá vú sữa cũng cao hơn so với năm trước. Bên cạnh đó, những năm gần đây, nhà vườn còn chủ động áp dụng kỹ thuật rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch thêm 2 – 3 tháng. Nhờ đó, vú sữa không tập trung chín đồng loạt như trước, tránh được tình trạng ùn ứ, giữ được giá bán ở mức cao.
Hiện nay, bà con đang khẩn trương thu hoạch, phân loại, vận chuyển vú sữa cho kịp đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Không chỉ mang lại lợi nhuận cho nhà vườn, mùa thu hoạch vú sữa chính vụ cũng mang lại thu nhập cho một số lao động địa phương khoảng 300.000 đồng/ngày.
CHỢ NỔI CÁI RĂNG NHỘN NHỊP NGÀY GIÁP TẾT
Văn Vũ sản xuất
Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2025, chợ nổi Cái Răng - một trong những điểm du lịch nổi tiếng của TP.Cần Thơ trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Từ sáng sớm, hàng trăm chiếc ghe, xuồng đã tấp nập cập bến, mang theo đủ loại hàng hóa đặc trưng của vùng sông nước miền Tây. Không khí mua bán tại chợ nổi trở nên sôi động với các loại hoa quả, bánh mứt, và đặc biệt là hoa kiểng phục vụ Tết. Những chiếc ghe chở đầy hoa và nhiều loại trái cây đã tô điểm cho không gian nơi đây thêm rực rỡ.
Bên cạnh hoạt động mua bán, chợ nổi Cái Răng còn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Chợ nổi Cái Răng không chỉ là nơi giao thương, mà còn là hình ảnh sống động của một nét văn hóa đặc sắc, góp phần làm giàu thêm không khí Tết cổ truyền trên đất Việt.
HƯƠNG ĐEN LƯU GIỮ VỊ TẾT CỔ TRUYỀN
Thanh Thủy sản xuất
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa nổi tiếng với nghề làm hương từ hàng trăm năm nay. Những ngày này, các cơ sở sản xuất tại đây đang tất bật hoàn thành các đơn hàng lớn, đặc biệt là dòng hương đen – sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa Tết cổ truyền.
Theo nghệ nhân Nguyễn Thu Phương, hương đen được làm 100% từ nguyên liệu tự nhiên, đặc trưng với mùi thơm dịu mát của nhựa cây trám rừng. Những bó hương Tết, dài 50cm, không chỉ đẹp mà còn cháy lâu, lên đến 6-7 tiếng.
Ngoài thị trường trong nước, sản phẩm hương đen Quảng Phú Cầu đã vươn ra nước ngoài, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam. Đồng thời, các hoạt động trải nghiệm làm hương tại làng nghề cũng thu hút đông đảo du khách, tạo nguồn thu nhập và nâng cao đời sống người dân.
UBND xã Quảng Phú Cầu đang tích cực phát triển mô hình kết hợp giữa làng nghề và du lịch, đưa nơi đây trở thành điểm nhấn trên tuyến “Con đường di sản Nam Thăng Long”.
LÀNG NGHỀ HOA GIẤY PHÙ ĐỔNG RỰC RỠ NGÀY CẬN TẾT
Nguyễn Thủy sản xuất
Làng nghề hoa giấy Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, đang đón một mùa Tết khởi sắc khi dòng sản phẩm hoa giấy bonsai trở thành điểm sáng của thị trường hoa Tết.
Theo chị Hoàng Thị Thu – chủ nhà Vườn Hằng Thu, từ năm 2020, dòng hoa giấy bonsai – vốn phổ biến ở miền Nam – đã được các nhà vườn tại đây phát triển thành công. Từ những giống hoa giấy nhập khẩu từ Nam Mỹ, trải qua nhiều công đoạn như ươm cành, tạo bầu, tạo thế và ghép hoa; nhờ sự khéo léo, sáng tạo và tay nghề cao của người thợ trồng hoa tại Phù Đổng, sau 3-4 năm chăm sóc và kỹ thuật ghép hoa tinh xảo, làng Phù Đổng đã nhân giống thành công hơn 30 màu sắc khác nhau như tím tuyết, cẩm thạch, hay những loại đổi màu độc lạ như Golden Sunshine hay tiểu Ấn Độ. Nhờ làm chủ kỹ thuật ghép hoa, giá thành sản phẩm hoa giấy bonsai tại đây năm nay đã hạ nhiệt, chỉ từ 300.000 đồng đến 3 triệu đồng mỗi cây, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Chủ động đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị hiếu khách hàng, xã Phù Đổng ngày càng khẳng định được thương hiệu của làng nghề hoa giấy lớn nhất miền Bắc.