Giải Búa liềm vàng Nghệ An vinh danh 42 tác phẩm xuất sắc. Phiên chợ sản phẩm OCOP đặc sản địa phương 2025. Mỗi cây quất Tứ Liên là một tác phẩm nghệ thuật. Làng khô cá lóc Bình Thủy tất bật vào vụ Tết.
GIẢI BÚA LIỀM VÀNG NGHỆ AN VINH DANH 42 TÁC PHẨM XUẤT SẮC
(Ngọc Linh – Việt Khánh thực hiện)
Hôm nay, 18/1, tỉnh Nghệ An khai mạc Hội Báo xuân Ất Tỵ 2025 và trao Giải Báo chí Búa liềm vàng năm 2024.
Hội Báo Xuân là hoạt động truyền thống được tổ chức thường niên mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Những năm qua, báo chí Nghệ An đã thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… góp phần củng cố lòng tin với Đảng, chính quyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Giải “Búa liềm Vàng - Nghệ An” năm nay ghi nhận 122 tác phẩm tham gia, Ban tổ chức đã lựa chọn được 42 tác phẩm xuất sắc. Trong đó 4 tác phẩm chuyên đề được tôn vinh, trao giải, đồng thời lựa chọn tham dự Giải Búa liềm vàng toàn quốc.
CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI – PHIÊN CHỢ SẢN PHẨM OCOP ĐẶC SẢN ĐỊA PHƯƠNG 2025
(Minh Sáng sx)
Ngày 18-19/1, tại TP.HCM, Phiên chợ sản phẩm OCOP – Đặc sản địa phương được diễn ra trong khuôn khổ sự kiện “VIETNAM MARKETING SUMMIT 2025 – Chương trình Xúc tiến Thương mại – Phiên chợ sản phẩm OCOP – Đặc sản địa phương” do Chương trình trao đổi lâm sản ngoài gỗ Việt Nam kết hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp BSA tổ chức.
Phiên chợ gồm nhiều hoạt động giao lưu giữa người bán, người mua với những sản phẩm độc đáo, mang đậm bản sắc riêng, trong đó có nhiều sản phẩm của đồng bào Dao, Ba Na, E Đê, S'Tiêng, Rak Ray….lần đầu tiên xuất hiện tại TP.HCM.
Sự kiện thể hiện sự đồng hành của Bộ NN-PTNT cùng với Trung tâm BSA, các doanh nông và người tiêu dùng. Cũng tại sự kiện, các đại biểu được chứng kiến những đầu bếp hàng đầu trình diễn nấu ẩm thực Tây Nguyên và thưởng thức hương vị đặc trưng của những món ăn đến từ vùng đất này.
MỖI CÂY QUẤT TỨ LIÊN LÀ MỘT TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT
An Khang sản xuất
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán năm 2025, tại các nhà vườn trồng quất ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, TP Hà Nội, bà con đang gấp rút thực hiện các công đoạn chăm sóc cuối cùng để phục vụ nhu cầu chơi quất của người dân thủ đô.
Những năm gần đây, người trồng quất Tứ Liên không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc cây, mà còn biết cách biến mỗi cây quất thành một tác phẩm nghệ thuật. Từng nhánh cây được uốn nắn khéo léo để tạo hình dáng hài hòa, phù hợp với phong thủy. Nhiều cây quất được tạo hình thành dáng "long phượng sum vầy" hay "phúc lộc viên mãn". Quất được các chủ vườn bán với giá từ 500.000 đến 900.000 đồng/chậu.
Với sự kết hợp giữa giá trị truyền thống và đổi mới sáng tạo, làng nghề trồng quất Tứ Liên không chỉ là nơi lưu giữ được bản sắc văn hóa độc đáo, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế cho người dân.
LÀNG KHÔ CÁ LÓC BÌNH THỦY TẤT BẬT VÀO VỤ TẾT
Văn Vũ
Những ngày này chạy dọc theo tuyến quốc lộ 91B, đoạn thuộc phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, không khí làng khô cá lóc dọc 2 bên đường vô cùng nhộn nhịp cảnh mua bán cá khô trong những ngày cận Tết.
Theo người dân, vụ Tết tại làng khô cá lóc Bình Thủy, mỗi ngày một hộ dân thu mua 300kg cá lóc nguyên liệu, làm ra 100kg khô cá bán cho khách trong và ngoài tỉnh. Hiện nơi đây có hơn 20 hộ dân làm nghề cá khô, hầu hết ai cũng có thâm niên làm cá từ 4 năm trở lên. Nhiều hộ có đến 11 thành viên tham gia truyền giữ nghề làm khô cá lóc. Với giá bình quân từ 150.000 – 500.000 đồng (tùy theo từng loại), mỗi ngày bà con nơi đây có lợi nhuận hơn 2 triệu đồng