Cận Tết, làng nghề ‘xoi trầm’ hoạt động hết công suất. An Giang: Các lò lạp xưởng bò hoạt động gấp 6 lần thường nhật. Giá bưởi ở Hà Nội xuống thấp. Nhiều thách thức đối với ngành sầu riêng Việt Nam.
CẬN TẾT, LÀNG NGHỀ ‘XOI TRẦM’ HOẠT ĐỘNG HẾT CÔNG SUẤT
KIM SƠ – PHƯƠNG CHI
Những ngày này, tại làng nghề ‘xoi trầm’ hương ở xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa không khí hoạt động diễn ra nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Người người, nhà nhà tất bật “xoi trầm” tức là phần vỏ cây dó bầu để lấy phần trầm hương màu đen bên trong thân cây. Giá sản phẩm trầm cảnh mỹ nghệ không cố định mà phụ thuộc vào chất lượng, độ tuổi trầm, hình dáng, kích thước. Dao động từ hàng triệu đến hàng trăm triệu đồng. Còn giá các loại nhang dao động từ 100.000 đồng/kg đến 3 triệu đồng/kg, thậm chí lên đến hàng chục triệu đồng/kg.
Bên cạnh đó, hoạt động làm nhanh trầm của làng nghề này cũng sôi động. Các loại nhang tăm, nhang nụ, nhang không tăm đã sẵn sàng phục vụ khách hàng. Một số cơ sở cho biết, dịp Tết Nguyên đán là mùa tiêu thụ nhang trầm lớn nhất trong năm. Vào vụ Tết, nguồn hàng cung cấp cho khách tăng gấp 2-3 lần so với những tháng thường ngày.
AN GIANG: CÁC LÒ LẠP XƯỞNG BÒ HOẠT ĐỘNG GẤP 6 LẦN THƯỜNG NHẬT
VĂN VŨ
Lạp xưởng bò hay tiếng Chăm còn gọi là tung lò mò, không chỉ là một món ăn độc đáo mà còn mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Chăm tại An Giang. Trong những ngày cận Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ món ăn này tăng cao, các làng nghề tại An Giang như ở huyện An Phú và thị xã Tân Châu đang tất bật sản xuất để đáp ứng thị trường.
Theo các chủ cơ sở sản xuất, thời điểm này, lượng khách hàng ở các tỉnh, thành phố lân cận đã đặt mua để làm quà biếu.Vì vậy, các cơ sở đã tăng công suất làm việc để có đủ sản phẩm giao cho khách hàng. Nếu như bình thường, cơ sở sản xuất khoảng 1 tấn sản phẩm/tháng thì hiện nay, cơ sở phải đẩy mạnh công suất lên gấp 6 lần mới đủ cung cấp cho thị trường. An Giang, vùng đất nổi tiếng với sự giao thoa văn hóa của các dân tộc, đặc biệt là người Chăm với nghề làm tung lò mò nổi tiếng hàng trăm tại địa phương.
GIÁ BƯỞI Ở HÀ NỘI XUỐNG THẤP
QUANG DŨNG
Tại huyện có diện tích trồng bưởi lớn như: Chương Mỹ, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Quốc Oai, Sóc Sơn… bưởi Diễn canh tác theo quy trình an toàn, quả có mã đẹp, thơm, ngọt có giá 15-25.000 đồng/quả. Trong khi cách đây ít năm bưởi ở những vùng này bán được 40-50.000 đồng/quả. Đối với những vùng trồng thông thường, chỉ có giá từ 5 đến hơn 10.000 đồng/quả, tùy theo chất lượng.
Nguyên nhân giá bưởi xuống thấp là do cung vượt cầu. Riêng tại Hà Nội, theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn thành phố có khoảng 7.500 ha bưởi, tổng sản lượng thu hoạch đạt hơn 100.000 tấn/năm; trong đó có gần 81% diện tích là bưởi Diễn.
Để tháo gỡ khó khăn cho đầu ra của sản phẩm, ngành nông nghiệp Hà Nội đề nghị các hộ dân nên trồng đa dạng nhiều giống cây để rải vụ; đồng thời, cần đẩy mạnh sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ, VietGAP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và xây dựng chuỗi liên kết bền chặt trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
NHIỀU THÁCH THỨC VỚI NGÀNH SẦU RIÊNG VIỆT NAM
QUANG DŨNG
Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng làm giả mã số vùng trồng, giả ủy quyền sử dụng mã số vùng trồng, giả giấy kiểm dịch thực vật, giả giấy kiểm nghiệm chất lượng trái cây, trong đó có sầu riêng để xuất khẩu. Đây là vấn đề nhức nhối, cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương để kiểm soát chặt chẽ, giải quyết triệt để, tránh hệ lụy cho cả ngành hàng.
Không chỉ Trung Quốc tăng cường kiểm tra và có những cảnh báo, từ ngày 8/1, EU cũng nâng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng Việt Nam từ 10% lên 20%. Điều này cũng có nghĩa là cả ngành hàng phải chuẩn chỉnh các khâu, để có thể xuất khẩu bền vững và mang về tỷ đô trong thời gian tới. Hiện, sản lượng sầu riêng nước ta đã tăng lên trên 1 triệu tấn. Đây được đánh giá vừa là cơ hội, vừa là thách thức nếu không đảm bảo về chất lượng.