Quyết liệt ngăn chặn tình trạng buôn lậu động vật. Nắng ấm, nông dân xuống đồng chăm sóc lúa đông xuân. Bán hoa Tết hiệu quả hơn nhờ livestream. Giá gạo nguyên liệu giảm.
QUYẾT LIỆT NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG BUÔN LẬU ĐỘNG VẬT
Đức Minh sản xuất
Chiều 21/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị "Phòng chống nhập lậu, buôn bán và vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm động vật"
Theo báo cáo, năm 2024 Cơ quan quản lý chuyên ngành về Thú y đã phối hợp với địa phương xử lý tổng số 229 vụ vi phạm, với tổng số 91.500 quả trứng gia cầm; 1.122.564 con động vật và 242.772 kg sản phẩm động vật nhập lậu. So với cùng kỳ năm 2023 đã tăng lên 53 vụ vi phạm; 38.400 quả trứng gia cầm; 671.901 con động vật và 212.841 kg sản phẩm động vật nhập lậu. Tháng 01 năm 2025, xử lý 13 vụ vi phạm với tổng số 11.647,44 kg sản phẩm động vật nhập lậu.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, giải pháp phòng chống buôn lậu có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển ngành chăn nuôi.
Do vậy Thứ trưởng đề nghị các cơ quan chức năng của trung ương và các địa phương là điểm nóng về buôn lậu động vật như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Tây Ninh, Bình Phước… cần phải quyết liệt và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý quyết liệt các trường hợp vi phạm.
NẮNG ẤM, NÔNG DÂN XUỐNG ĐỒNG CHĂM SÓC LÚA ĐÔNG XUÂN
Tâm Phùng - Tâm Đức sản xuất
Vụ đông xuân năm nay, tỉnh Quảng Bình gieo cấy trên 29.000ha với các giống lúa thuần cơ cấu chính như: VNR20, Hà Phát 3, P6, HN6, QS88, PC6, QC03, VN20…Theo ngành NN-PTNT địa phương, lịch thời vụ gieo các giống ở trà sớm bắt đầu từ 25/12 và những trà muộn bắt đầu từ 25/1/2025. Những ngày giáp tết Ất Tỵ 2025, tranh thủ thời tiết có nắng hửng, nông dân các địa phương tích cực ra đồng tỉa dặm lúa các trà ruộng đông xuân sớm. Theo nhiều bà con, trong thời gian gieo sạ, tuy thời tết có mưa lạnh kéo dài nhưng nhờ điều tiết nước kịp thời nên không làm ảnh hưởng lớn đến lúa lên mầm và phát triển.Công ty khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình cũng đã chủ động tích nước đủ tại các hồ chứa, công trình thủy lợi để đảm bảo nước tưới cho vụ đông xuân.
BÁN HOA TẾT HIỆU QUẢ HƠN NHỜ LIVESTREAM
An Khang sản xuất
Từ sở thích trồng hoa lan, sau gần 10 năm, chị Nguyễn Thị Doanh ở xã Đông La, huyện Hoài Đức đã tự nghiên cứu, mày mò và trồng thành công nhiều giống lan quý. Từ đầu năm 2023, do nắm bắt được thị trường hoa lan vào dịp Tết, chị Doanh đã mạnh dạn đầu tư nhà kính với quy mô hơn 1.000 m2, với nhiều loại đia lan quý hiếm. Hoa lan được kết tác thành những tác phẩm hết sức bắt mắt với nhiều kiểu dáng. Được tạo hình trên giá thể bằng gỗ và bình khiến khách hàng mê mẩn.Việc kinh doanh hoa lan được chị kết hợp giữa hai phương thức là truyền thống và livestream bán hàng, mỗi chậu lan sẽ có giá trung bình từ 2 đến 5 triệu đồng. Chị Doanh cho biết: “Những buổi livestream của chị không chỉ đơn thuần là việc bán hàng mà còn là cơ hội để chị kể về câu chuyện của những bông hoa được nuôi dưỡng bằng cả tâm huyết”.
GIÁ GẠO NGUYÊN LIỆU GIẢM
Khai thác
Giá gạo nguyên liệu hôm nay (21/1) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long quay đầu giảm. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu OM 380 giảm 100 đồng dao động ở mức 7.500 - 7.600 đồng/kg; gạo nguyên liệu IR 504 giảm 200 đồng dao động ở mức 7.600-7.800 đồng/kg. Tại nhiều địa phương hôm nay nguồn cung ít, giao dịch lúa mới vẫn chậm. Tại Sóc Trăng, lúa Đông Xuân sớm tại một số khu vực bắt đầu có lai rai, nông dân chào bán khá chậm, giá lúa ít biến động. Tại Đồng Tháp, nông dân chào bán nhiều, giá chững, giao dịch mua bán lúa chậm.
Tại Long An, lúa Đông Xuân sớm nông dân chào lai rai, thương lái mua ít. Tại Cần Thơ, nông dân chào bán ít, chờ tới ngày cắt, giao dịch ít.