Làng sản xuất bột gạo trăm năm tuổi vào vụ Tết. Đặc sản mực một nắng Quảng Bình. Công trình ngăn mặn lớn nhất Sóc Trăng sắp hoàn thành. Hà Tĩnh: 573 cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.
LÀNG SẢN XUẤT BỘT GẠO TRĂM NĂM TUỔIVÀOVỤ TẾT
LÊ HOÀNG VŨ
Những ngày này, hàng trăm hộ dân, cơ sở sản xuất bột gạo và các sản phẩm sau bột tại Làng bột Sa Đéc đang tất bật với hoạt động sản xuất để cung ứng cho thị trường hàng ngày và Tết Nguyên đán 2025 sắp đến. Đây là làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm tuổi tại TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.
Các cơ sở sản xuất bột cho biết, do nhu cầu sử dụng bột sản xuất các loại bánh mứt tăng cao nên các cơ sở phải tăng ca và tăng năng suất mới đủ số lượng cung ứng cho khách hàng. Với sự hỗ trợ từ kinh phí khuyến công của tỉnh Đồng Tháp và địa phương, nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã sản xuất theo hướng tiên tiến, ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại giúp nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hiện, thành phố Sa Đéc có trên 180 hộ, cơ sở, doanh nghiệp và hơn 2.000 lao động tham gia vào hoạt động sản xuất bột và sản phẩm sau bột. Bình quân sản xuất khoảng 95 tấn bột tươi/ngày (tương đương 50 tấn bột khô). Từ bột gạo, các cơ sở sẽ chế biến ra rất nhiều sản phẩm sau bột như: hủ tiếu, bánh canh, nui, phở, bún, bánh phồng tôm... Các sản phẩm của Làng bột Sa Đéc cũng đã xuất khẩu sang một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, một số nước Châu Âu… Doanh thu mang lại cho các cơ sở, doanh nghiệp hàng năm đạt trên 1.500 tỷ đồng.
ĐẶC SẢN MỰC MỘT NẮNG QUẢNG BÌNH
TÂM PHÙNG – TÂM ĐỨC
Những ngày này, Hợp tác xã chế biến thủy hải sản Ngư Trung, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đang thu mua mực tươi của ngư dân để làm thành sản phẩm mực một nắng phục vụ thị trường Tết nguyên đán.
Mực để chế biến là mực ống tươi có trọng lượng khoảng 2-3 con mỗi kg. Mực được rửa sạch, bỏ hết ruột và đưa ra phơi nắng một ngày. Những khi không có nắng thì mực nguyên liệu sẽ được đưa vào kho lạnh. Sau khi phơi, mực được đóng gói, hút chân không và bảo quản lạnh và đưa ra thị trường với giá bán từ 800 đến 1 triệu đồng/kg. Đây là sản phẩm đặc sản của vùng biển Quảng Bình được nhiều khách hàng ưa chuộng và có sức tiêu thụ lớn. Dịp Tết Nguyên đán 2025 dự kiến sẽ cung ứng trên 3 tấn sản phẩm…
CÔNG TRÌNH NGĂN MẶN LỚN NHẤT SÓC TRĂNG SẮP HOÀN THÀNH
KIM ANH
Cống âu Rạch Mọp đặt tại xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách là công trình ngăn mặn lớn nhất trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, thuộc Dự án công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu, do Ban quản lý Đầu tư Xây dựng Thủy lợi 10 làm chủ đầu tư. Hiện, công trình đang bước vào giai đoạn nước rút, với tiến độ thi công đạt trên 90%, các hạng mục công trình chính đã hoàn thành, chờ lắp đặt cửa cống. Chủ đầu tư và các đơn vị thi công, giám sát công trình đang dốc toàn lực thi công xuyên Tết để đảm bảo hoàn thành trước ngày 5/3/2025, sớm đưa công trình đi vào vận hành, phục vụ mục tiêu kiểm soát mặn, bảo vệ nguồn nước ngọt cho người dân.
Theo kế hoạch, công trình cống âu Rạch Mọp sau khi hoàn thành sẽ được bàn giao cho UBND tỉnh Sóc Trăng, trực tiếp là Sở NN-PTNT của địa phương này quản lý và khai thác.
HÀ TĨNH: 573 CƠ SỞ ĐỦ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH THUỐC BVTV
THANH NGA
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực phân bón và thuốc BVTV, thời gian vừa qua, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh đã ban hành nhiều văn bản, giao các đơn vị thực hiện rà soát, thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh phân bón và thuốc BVTV trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho các cơ sở đảm bảo hồ sơ thủ tục theo quy định.
Đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 573 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc BVTV và 749 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phân bón. Việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh sẽ góp phần giám sát hoạt động buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng.