Nhờ chuyển đổi từ trồng lúa bị hạn sang trồng mía tím, kinh tế của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai đã được nâng cao rõ rệt.
Người đồng bào dân tộc thiểu số làm giàu từ cây mía tím
Về xã Ia Kênh (TP. Pleiku), băng qua những con đường bê tông hóa là những vườn trồng mía thẳng tăm tắp. Khoảng 5 năm về trước, nơi đây, những ruộng lúa khô hạn, thiếu sức sống, người dân không buồn chăm sóc. Trên địa bàn, tổng diện tích trồng lúa khoảng 300 ha nhưng phần lớn năng suất không đạt, kém hiệu quả.
Chỉ vài năm trở lại đây, bà con đồng bào đã chuyển sang trồng cây mía tím. Nếu như trồng lúa cho thu nhập thấp và rất bấp bênh, thì giờ đây cây mía tím có thể xem như loại cây kinh tế làm thay đổi đời sống người dân.
Là người đầu tiên phát hiện và đưa cây mía tím về địa phương, ông Kpă Pyui ở xã Ia Kênh, TP. Pleiku cho biết, nguồn nước tưới ngày càng cạn kiệt, phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa. Lúa bị khô hạn, năng suất rất thấp nên ông quyết tâm chuyển đổi 2 sào lúa bỏ hoang sang trồng cây mía tím.
Ông Kpă Pyui, làng Nhao 1, xã Ia Kênh
Trồng cây lúa so với cây mía thì cây mía phải gấp 4-5 lần trong cùng một diện tích, từ đó bà con thấy hiệu quả rồi dần chuyển sang trồng cây mía. Từ khi trồng cây mía bà con ở đây cải thiện được kinh tế gia đình. Các hộ khó khăn, thiếu thốn, khi trồng cây mía cũng mang lại hiệu quả cho gia đình, nâng suất cao hơn. Qua đó góp phần để giúp bà con xóa đói, giảm được nghèo.
Với diện tích 2,5 sào đất của gia đình tại cánh đồng Bầu 4 (làng Nhao 1, xã Ia Kênh), trước đây ông Rơ Lan Quý trồng lúa nhưng thường xuyên thiếu nước nên mỗi năm chỉ thu hoạch được hơn 2 tạ/sào, cuộc sống lúc nào cũng thiếu ăn. Ông chủ động học hỏi nhiều nơi, tìm mua giống mía tím về trồng thử nghiệm. Thấy mía tím phát triển nhanh, bán được giá nên ông chuyển toàn bộ 2,5 sào đất lúa sang trồng mía.
Ông Rơ Lan Quý-làng Nhao 1, xã Ia Kênh
Gia đình tôi đã trồng lúa hơn 10 rồi, nhưng thấy không có hiệu quả, thiếu nước, tốn công, năng suất thấp. Nên tôi chuyển sang trồng cây mía, hiện tại bây giờ cả 2 ruộng mía của tôi có hơn 2,5 sào, hàng năm bán được hơn 40 triệu đồng. So với cây lúa thì khác hẳn, cây mía mình trồng. Nói chung cây mía thu hoạch năng suất rất là cao.
Được biết, cây mía tím phát triển mạnh tại vùng đất Ia Kênh từ 2019. Hiện tại 39 hộ, chủ yếu là người đồng bào dân tộc Ba Na và Jrai tham gia với gần 20 ha. Với giá mía như hiện nay, trung bình 1 sào, trừ hết các khoản chi phí, người dân có thể thu về lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng.
Ông Pjup, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Kênh
Hiện tại diện tích trồng mía tím trên địa bàn của xã tại làng Nhao 1 và Nhao 2 có gần 20 ha. Hàng năm, Hội Nông dân thường xuyên phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức lớp tập huấn cho bà con về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mía tím. Từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao, với giá mía bán ra thị trường hiện nay khoảng 25 triệu đồng/sào. Từ đó mang lại thu nhập cho bà con tại địa phương phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo.