| Hotline: 0983.970.780

Khắc chế đất gò thành những vườn cây trĩu quả

Thứ Ba 09/11/2021 , 15:22 (GMT+7)

Hàng trăm ha đất trồng lúa kém hiệu quả, năng suất chỉ 4-5 tấn/ha, đã được HTX Tăng Tiến chuyển trồng cây ăn trái như mít, xoài, sầu riêng, dừa...cho hiệu quả kinh tế cao.

Công đầu của việc chuyển đổi hiệu quả này là của Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tăng Tiến (xã Phú Đức, huyện Tam Nông, Đồng Tháp) Mai Tăng Tiến, người gắn bó với HTX này từ những ngày mới thành lập. Sau khi học lấy bằng Cử nhân Kinh tế, anh trở về vực dậy HTX.

Anh Tiến kể, HTX thành lập cách đây 22 năm, khi đó tài sản là hơn 280ha đất lúa trên đồi gò, năng suất thấp. Quỹ đất của HTX cũng thuộc loại rộng so với nhiều HTX khác. Nhưng cái khó là có nhiều diện tích đồi gò, so với mặt bằng ngập nước thì cao hơn đến 2-3 cấp. Hàng năm, cứ mỗi khi lũ về là khu vực đồi gò trở thành ngôi nhà chung của đủ thứ côn trùng gây hại. Đặc biệt là chuột. Cuối cùng, tốn bao nhiêu công chăm sóc, đầu tư, chỉ để cho chuột bọ phá. Chưa kể, nếu không bị chuột phá thì mấy chỗ đồi gò này đất là loại pha sỏi, trồng lúa cũng rất kém hiệu quả. Nên nhiều người bỏ đất hoang không làm. Hồi đó, ban lãnh đạo HTX cũng trăn trở nhiều về việc làm sao để phát huy hiệu quả diện tích đất đang có, chứ vào HTX mà chẳng tăng thu nhập trên cùng diện tích được thì vào làm gì?

Anh Mai Tăng Tiến, Giám đốc HTX Tăng Tiến bên một vườn xoài đang chuẩn bị thu hoạch của HTX. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Anh Mai Tăng Tiến, Giám đốc HTX Tăng Tiến bên một vườn xoài đang chuẩn bị thu hoạch của HTX. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Cuối cùng, thời điểm năm 2014, 2015, chúng tôi bắt đầu lập kế hoạch, phối hợp chính quyền địa phương thành lập các vùng quy hoạch, nghiên cứu chuyển đổi đất đồi gò trồng lúa không hiệu quả sang trồng cây ăn trái phù hợp.

Đến nay, HTX Tăng Tiến đã có gần 900ha đất. Trong đó, có hơn 200ha đất trồng lúa kém hiệu quả, năng suất từ 4-5 tấn/ha, chuyển sang trồng các loại cây ăn trái như mít, xoài, sầu riêng, dừa. Và sau vài vụ thu hoạch, đã cho thấy hiệu quả cao hơn lúa rất nhiều. Số thành viên HTX cũng tăng từ 118 lên 385 với 557 hộ. Như vậy có thể thấy, dù đất sản xuất kém hiệu quả, vẫn có thể thành công, chỉ cần biết tính toán, tập thể đoàn kết một lòng.

Anh Mai Tăng Tiến: 'Ngoài chuyển đổi đất gò sang trồng cây ăn trái, HTX Tăng Tiến hiện cũng đang canh tác lúa theo hướng hữu cư, giúp nâng cao giá trị hạt lúa, hạt gạo lên nhiều lần'. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Anh Mai Tăng Tiến: "Ngoài chuyển đổi đất gò sang trồng cây ăn trái, HTX Tăng Tiến hiện cũng đang canh tác lúa theo hướng hữu cư, giúp nâng cao giá trị hạt lúa, hạt gạo lên nhiều lần". Ảnh: Hồng Thuỷ.

Hiện tại, HTX đang đầu tư hệ thống, quy trình chăm sóc VietGAP cho vườn xoài, mít, sầu riêng. Ngoài ra, mấy năm nay, HTX cũng đã thực hiện khoảng 200ha đất lúa cho năng cao trồng theo quy trình hữu cơ. Năng suất không cao hơn quy trình canh tác cũ, nhưng giá trị gia tăng cao hơn gấp gần 2 lần. Điều thuận lợi là do quỹ đất rộng nên các vùng trồng cây được quy hoạch tách riêng, vùng trái cây riêng, vùng lúa riêng chứ không trồng đan xen, nên việc đầu tư, chăm sóc khá thuận lợi.

Theo anh Tiến, cây mít Thái rất phù hợp với thổ nhưỡng ở đây, dễ trồng, năng suất và sản lượng cao, mít giòn, ngọt, thơm ngon, cho nhiều múi, ít xơ. Có những trái mít nặng đến 20-30kg. Trồng xoài hay mít cũng đều cho thu nhập cao hơn lúa nhiều. Nếu không bị ảnh hưởng dịch Covid-19, thì mỗi ha mít có thể thu lãi vài trăm triệu đồng.“Về đầu ra sản phẩm, hiện tại chúng tôi đang có một số công ty, đơn vị cung ứng cho các siêu thị chuẩn bị ký kết hợp tác, bao tiêu sản phẩm. Sắp tới, chúng tôi sẽ lên kế hoạch chi tiết cho kế hoạch tiêu thụ sản phẩm, bao gồm liên kết doanh nghiệp, đầu tư quy trình để cho ra sản phảm đảm bảo chất lượng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Chúng tôi luôn lập kế hoạch để sản xuất sản phẩm tương ứng với đầu ra chứ không làm ồ ạt, nhằm tránh ùn ứ”, anh Tiến cho biết.

Đường vào các khu vườn, ruộng của HTX Tăng Tiến. Ảnh: Hồng Thủy.

Đường vào các khu vườn, ruộng của HTX Tăng Tiến. Ảnh: Hồng Thủy.

Điều khá thú vị ở HTX Tăng Tiến, nhà ở của các xã viên nằm lẩn khuất trong những vườn mít, xoài, sầu riêng. Đồng thời, đường giao thông đã được đầu tư bài bản. Những con đường này vừa là đê bao khép kín, vừa dẫn đường điện vào phục vụ sản xuất, phục vụ như cầu đi lại của người dân, và đảm bảo cho xe vận chuyển nông sản vào tận vườn, tận ruộng. “Ngoài ra, khi người dân ở ngay trong vườn cây, ruộng lúa, thì sẽ hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu độc hại”, anh Tiến nói.

Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, thời gian qua, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp phát huy vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, HTX là cầu nối tạo liên kết dọc, khâu trung gian giữa người sản xuất và người tiêu dùng, nơi tiếp nhận thông tin thị trường, đầu mối đảm nhận khâu thu mua và đưa hàng hóa đến thị trường…

“Hiện nay, toàn tỉnh có 178 HTX nông nghiệp, lợi nhuận bình quân là 267 triệu đồng/HTX. Ước cuối năm 2021, dự kiến thành lập mới 7 HTX nông nghiệp tại các huyện: Cao Lãnh, Tháp Mười, Tam Nông, Châu Thành, Thanh Bình. Trong đó có nhiều HTX hoạt động khá hiệu quả, dám nghĩ dám làm, thay đổi tư duy, giúp xã viên nâng cao thu nhập lên nhiều lần trên cùng một diện tích. Ngoài ra, đến cuối tháng 6/2021, trên địa bàn tỉnh có 931 tổ hợp tác nông nghiệp. Ước năm 2021, doanh thu bình quân của một THT khoảng 510 triệu đồng; lợi nhuận bình quân là 138 triệu đồng”, ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp.

Xem thêm
AgroViet 2024 - Cầu nối mở rộng thương mại nông sản

Ngày 20/11, Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 24 - AgroViet 2024 được khai mạc tại Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Hà Nội).

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.