
Với sự vào cuộc của lực lượng biên phòng, hội nông dân, Đoàn xã A Vao, đồng bào Pa Kô tại thôn Pa Ling đã phần nào thay đổi tư duy sản xuất. Ảnh: Võ Dũng.
Anh Hồ Văn E, một hộ trong nhóm thanh niên thực hiện mô hình trồng chuối lùn tại thôn Pa Ling, xã A Vao (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) cho biết, khu đất đồi phía bên kia khe suối trước đây trồng toàn keo. Tuy nhiên, mỗi chu kỳ trồng keo 4 - 5 năm cũng chỉ đem lại cho đồng bào nguồn thu khoảng 40 - 50 triệu đồng.
Trong khi đó, giống chuối lùn bản địa ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Trị trước nay được đánh giá có chất lượng thơm ngon không nơi nào sánh được lại chỉ trồng rải rác tại một số khu dân cư, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Vì vậy, khi được các tổ chức đóng chân trên địa bàn hỗ trợ, đồng bào rất phấn khởi.
“Kể từ khi Chi đoàn Đồn Biên phòng A Vao (Bộ đội Biên phòng Quảng Trị), Hội Nông dân, Đoàn xã A Vao… hỗ trợ phân bón, kỹ thuật trồng thử nghiệm cây giống chuối lùn bản địa, đồng bào rất hồ hởi và chuyển một số diện tích keo sang trồng chuối. Đến nay, thôn Pa Ling đã có 4ha chuối lùn bản địa. Trung bình mỗi năm, cây chuối lùn bản địa trồng tập trung đem về cho đồng bào trên 20 triệu đồng/ha”, anh E chia sẻ.
Theo già làng Hồ Văn Y, 1 nghìn gốc chuối giống ban đầu mang lại hiệu quả kinh tế đã giúp đồng bào có niềm tin trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Điều quan trọng, sự vào cuộc của lực lượng biên phòng, hội nông dân cũng như đoàn thanh niên xã theo phương thức "cầm tay chỉ việc" đã giúp thay đổi phần nào tư duy sản xuất, phương thức canh tác, trồng trọt theo lối “phát đốt, cốt trỉa” của đồng bào.
“Trước nay, đồng bào chỉ phát rừng, đốt thực bì, trồng cây xuống rồi phó mặc cho trời đất, chờ đến ngày thu hoạch. Nay thì các hộ trồng chuối ngày ngày đều lên nương rẫy làm cỏ, bỏ phân, chăm sóc cây trồng. Nhờ vậy mà năng suất, hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt”, già Y phấn khởi.
Thiếu tá Lê Trung, Đồn phó Đồn Biên phòng A Vao cho biết, cuộc sống đồng bào Pa Kô còn quá nhiều khó khăn, tập tục canh tác, tư duy còn lạc hậu. Thay đổi nhận thức của đồng bào không dễ, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng chính việc làm. Vì vậy, những ngày mưa, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao đã trực tiếp cùng người dân đào hố, bón phân và vác từng cây chuối đi trồng.
“Cán bộ chiến sỹ coi việc trồng và chăm sóc chuối cho đồng bào như là việc nhà, cùng làm với đồng bào, cùng chia sẻ để đồng bào biết cách đào hố, bón phân, cách chăm sóc. Việc làm và kết quả chính là niềm tin. Hôm nay, nhìn những vườn chuối, đồng bào phấn khởi lắm”, Thiếu tá Lê Trung chia sẻ.

Đồng bào Pa Kô đã dần từ bỏ tập quán canh tác “phát đốt, cốt trỉa” kể từ khi được cầm tay chỉ việc trồng chuối lùn bản địa. Ảnh: Võ Dũng.
Ông Hồ Văn Nhiếp, Chủ tịch UBND xã A Vao cho biết, với địa hình đa phần đồi núi, độ dốc lớn kéo theo việc các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân rất khó thực hiện. Vì thế, trong sinh hoạt đời sống, sản xuất nông nghiệp, đồng bào chủ yếu nhờ vào trời đất mưa thuận gió hòa, hiệu quả kinh tế thấp.
Cây chuối lùn bản địa trồng tại thôn Pa Ling bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế vượt trội so với những cây trồng khác. Tuy nhiên, khó khăn của địa phương hiện nay là tuyến đường từ thôn Pa Ling ra trung tâm xã dài chừng 20km đã xuống cấp nghiêm trọng. Đây là một trong những lý do khiến việc vận chuyển chuối vừa khó khăn vừa nguy hiểm; giá thu mua chuối vì thế cũng đang thấp. Địa phương rất mong muốn tuyến đường này sớm được nâng cấp sửa chữa để tương lai thung lũng Pa Ling phát triển thành vùng trồng chuối hàng hóa, đem lại thu nhập cao cho đồng bào.
Không những biết trồng thâm canh chuối lùn bản địa, nhiều hộ đồng bào tại Pa Ling hiện đã có thể chủ động được cây giống bằng cách chiết cây con từ cây mẹ để hỗ trợ cho những gia đình trồng mới. Hiện nay thương lái vào thu mua chuối tận vườn với giá 3 - 5 nghìn đồng/kg. Tuy giá cả chưa như kỳ vọng nhưng trồng thâm canh chuối lùn bản địa vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn 3 - 4 lần so với trồng keo.