Tiểu dự án "Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu vùng Đồng Tháp Mười" giúp nông dân tỉnh Đồng Tháp có lợi nhuận tăng đều hàng năm.
Nông dân Đồng Tháp Mười thu lợi nhuận từ loại hình sinh kế mùa lũ
Hàng năm, vùng ĐBSCL thường có 3-4 tháng mùa nước nổi. Từ đây đa dạng các loại hình sinh kế thuận theo tự nhiên ra đời.
Tại tỉnh Đồng Tháp, vài năm trở lại đây nhiều nông dân rất phấn khởi khi thực hiện thành công mô hình nuôi xen lúa, cá và các đối tượng khác. Trên cùng diện tích sản xuất, thay vì kiếm thu nhập chính từ cây lúa, gia đình ông Nguyễn Văn Vương ở xã Trường Thọ, huyện Tam Nông tích cực tham gia mô hình 2 lúa, 1 vịt và cá đồng
Đây là loại hình sinh kế mà TDA Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười (gọi tắt là TDA ICRSL tỉnh Đồng Tháp) đang hướng dẫn người dân triển khai. TDA ICRSL thuộc dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL với rất nhiều công trình và phi công trình nhằm nâng cao khả năng thích ứng BĐKH. Tại Đồng Tháp, mô hình 2 lúa, 1 vịt và cá đồng giúp tiết kiệm đáng kể chi phí lúa giống, phân bón, thuốc BVTV, cây lúa vẫn giữ được năng suất ổn định. Sau khi mô hình kết thúc, ông Vương quyết tâm tiếp tục thực hiện, bởi lợi nhuận qua nhiều năm thí điểm được ông kiểm chứng luôn cao hơn so với canh tác lúa truyền thống. Với những hiệu quả loại hình sinh kế mang lại, cán bộ triển khai sinh kế của dự án tích cực nhân rộng, vận động người dân áp dụng loại hình luân canh 2 lúa, 1 vịt và cá đồng.
Ông Nguyễn Văn Vương, xã Trường Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp:“Chưa vô mô hình mình rải 1 công 20kg giống, còn bây giờ chỉ còn 8kg thôi. Phân thì hồi đó sạ dày, vùng đất này xấu, làm mình sạ tới 50kg phân bây giờ chỉ còn 28kg thôi. Anh làm lúa ở đây từ đầu vụ đến cuối vụ không xịt cử nào sâu mò hết, sâu mò không ngại vì cá vịt ăn hết rồi, chỉ là xịt một cử trị bệnh cổ bông thôi”.
Canh mùa lũ về, gia đình ông Nguyễn Văn Khang tranh thủ thả nuôi tôm càng xanh trên diện tích khoảng 1ha và bắt đầu thu hoạch trong tháng 11 này.
Theo ông Khang, bí quyết để nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa thắng lợi là thả nuôi canh theo con nước. Mực nước cao thả tôm mật độ dày hơn, còn nước thấp thả nuôi ít lại, vừa vặn, ít tốn kém chi phí, lại có lợi nhuận cao.
Ông Nguyễn Văn Khang, xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp:“Mô hình nuôi tôm càng xanh này theo thường lệ thì mình bắt con giống đầu tháng 4 âm lịch. Mình canh lũ về hết tháng 6, nước tràn về mình cho tôm vào, sẵn cơ hội đó tôm vừa lớn, phát triển. Nước đầu nguồn đổ về nhiều kéo dài thời gian thì con tôm mình phát triển lớn”.
Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp: “Từ khi triển khai thực hiện dự án đến thời điểm hiện tại, đã hỗ trợ 4 mô hình về con giống, thức ăn, ngoài ra còn hỗ trợ về vật tư trong lĩnh vực nông nghiệp như lúa giống, phân bón, thuốc BVTV. Tới thời điểm này ngoài 4 mô hình đã thực hiện trong dự án, còn nhân rộng được 2 mô hình. Năm nay nước lớn, dự án của mình người dân rất phấn khởi.”.
Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp đánh giá, tổng lợi nhuận từ các loại hình sinh kế thuộc TDA mỗi năm đều tăng so với ngoài mô hình, nhờ vào việc giảm lượng giống, phân bón, thuốc BVTV. Đồng thời bà con nông dân có thể ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng, sản xuất bảo đảm ATTP để liên kết tốt trong khâu tiêu thụ.
Hiện nay, đang bước vào thời điểm cuối cùng thực hiện TDA, tỉnh Đồng Tháp xác định hoàn thành tốt các chỉ số đầu ra theo kế hoạch tổng thể. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động để có đủ cơ sở dữ liệu bảo đảm việc kiểm tra, thẩm định đạt yêu cầu.