Tiểu dự án MD-ICRSL Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái, nâng cao sinh kế, thích ứng biến đổi khí hậu vùng Cù Lao Dung.
Khai thác rừng ngập mặn, nông dân Cù Lao Dung thu bền từ nuôi thủy sản
Huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, vùng đất giáp biển. Quanh năm, cây mía là đối tượng sản xuất truyền thống của người dân. Đứng trước rủi ro thiếu nguồn nước ngọt, sự cạnh tranh giá đường nhập khẩu, kéo theo sự sụt giảm giá thu mua mía nguyên liệu của nông dân. Từ đây, trồng mía không còn là sinh kế ổn định cho bà con nơi đây.
Được sự hỗ trợ cây giống từ tiểu dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái, nâng cao sinh kế, thích ứng BĐKH vùng Cù Lao Dung (gọi tắt là TDA 7) thuộc Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (MD-ICRSL). Bà con nông dân trong huyện bắt đầu thực hiện chuyển đổi sang trồng cây ăn trái để có nguồn thu nhập ổn định hơn.
Anh LÂM HOÀNG LINH, nông dân ấp An Bình, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng
“Mấy năm nay giá mía không ổn định nên mình chuyển sang mô hình trồng dừa dứa. Bên dự án hỗ trợ mình 275 gốc dừa, dự án cũng tổ chức các buổi tập huấn cho mình. Hiện cây giống phát triển tốt, những tập huấn kiến thức mình cũng tiếp thu trồng cho hiệu quả”.
Tại xã An Thạnh Nam và xã An Thạnh 3 có hơn 1.600 ha rừng ngập mặn phòng hộ do lực lượng kiểm lâm địa phương quản lý. TDA đã xây dựng các loại hình sinh kế nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng.
Mỗi hộ dân khi tham gia sẽ được giao quản lý và khai thác 2.000 mét vuông diện tích rừng. Đồng thời được hỗ trợ con giống gồm vọp và ốc len để thả nuôi. Từ đây, tổ hợp tác (THT) nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng cũng được thành lập để duy trì và phát triển loại hình sinh kế bền vững này.
Ông TRẦN VĂN MỚI, Tổ trưởng THT nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, ấp An Quới, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng
“Từ ngày thành lập THT người dân tham gia mô hình vừa bảo vệ rừng vừa nuôi dưới tán rừng, phát triển ổn định, thu nhập cao và bền vững. Dự án đầu tư cho mô hình tương đương vọp 840kg, ốc len 161 kg, không ai xài thuốc nữa, nó lợi đủ thứ. Về kỹ thuật bên dự án cũng mời tập huấn bà con tham khảo để nuôi, bảo quản”.
Chị LƯƠNG THỊ DIỄM TRANG, Tư vấn cá nhân hỗ trợ các hoạt động sinh kế TDA 7 tỉnh Sóc Trăng
“Đối với dự án thì dự án sẽ hỗ trợ giống vọp, ốc len, hỗ trợ 70% chi phí giống. Đối với TDA 7 với mục đích làm sao để giúp cho người dân có được sinh kế bền vững trong thích ứng với BĐKH. Qua thời gian thực hiện từ năm 2019 đến nay cho thấy TDA cơ bản đã hoàn thành khối lượng công việc về kế hoạch tổng thể đã được phê duyệt.
Theo ngành nông nghiệp địa phương, thay đổi rõ ràng nhất của vùng kể từ khi TDA 7 được triển khai đó là nhận thức và hành động của người dân trong sản xuất nông nghiệp, từ độc canh cây mía, chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái chịu hạn mặn. Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu góp phần nâng cao thu nhập, mở ra cơ hội giao thương mới cho huyện.