World Bank tài trợ cho tỉnh Cà Mau đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt phục vụ nuôi tôm rừng vùng ven biển.
Cà Mau: 'Lá phổi xanh' vùng rừng ngập mặn
Thiên nhiên ưu đãi cho Cà Mau khu vực rừng ngập mặn Ngọc Hiển, có vai trò vô cùng quan trọng về môi trường sinh thái, hạn chế thiên tai và phát triển kinh tế.
Dưới tán rừng đước, các thế hệ người dân đã biết kết hợp hài hoà giữa trồng rừng với nuôi thủy sản.
Trong khuôn khổ Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (MD- ICRSL) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, tỉnh Cà Mau được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm-rừng vùng ven biển (gọi tắt là TDA 8).
Từ đây người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, phối hợp với ban quản lý dự án, cán bộ triển khai dự án phát triển sản xuất và liên kết chuỗi giá trị tôm - rừng.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau
“Việc người dân nuôi tôm với môi trường rừng ngập mặn Cà Mau hiệu quả rất khả quan. Đã qua theo đánh giá mỗi ha lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng/năm tập trung ở huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, Đầm Dơi. Qua dự án việc sản xuất của người dân thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng tốt hơn. Người dân có thể sống ở các khu vực này có điều kiện phát triển sinh kế, cuộc sống ổn định, bền vững hơn”.
Anh Đoàn Thiện Tính ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển là một trong 30 hộ dân của xã được TDA 8 hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi tôm dưới tán rừng. Khi tham gia, anh được tập huấn kỹ thuật, phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học. Từ đó, việc nuôi tôm trở nên ổn định, bền vững hơn.
Anh Đoàn Thiện Tính,xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau
“Tham gia trong dự án thì con tôm giá trị bán ra cao hơn giá thị trường 5-10 ngàn đồng/kg”.
Ông Hồ Hoàng Nam, cán bộ khuyến nông xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau
“Dự án cũng tổ chức tập huấn kỹ thuật cho bà con. Bà con cũng sử dụng một số chế phẩm sinh học. Đối với những hộ dự án hỗ trợ, hiệu quả tăng lên 30-40% so với trước khi tham gia vào dự án”.
Phát huy nguồn lực hỗ trợ từ Dự án MD- ICRSL, tỉnh Cà Mau đang tăng cường chuyển giao, nhân rộng loại hình sinh kế tôm-rừng, ứng dụng kỹ thuật công nghệ, đẩy mạnh phát triển loạimô hình nuôi tôm - rừng. Đồng thời, khuyến khích người nuôi áp dụng kỹ thuật mới, thân thiện môi trường.
Theo BQL TDA 8 tỉnh Cà Mau, tổng diện tích nuôi tôm - rừng toàn tỉnh đạt hơn 27.500 ha. Trong đó, có 15.000 ha ở 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển thuộc hỗ trợ của TDA 8. Ngoài ra, TDA cũng hỗ trợ 5.100 ha diện tích tôm-rừng thực hành tiêu chuẩn EU Organic. Góp phần giúp tỉnh Cà Mau hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 xây dựng 30.000 ha diện tích tôm rừng được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế, giữ vững vị thế dẫn đầu ngành tôm.