Theo một số chuyên gia, nông nghiệp số trong lĩnh vực trồng trọt cần nhiều sự đầu tư hơn, đặc biệt là việc số hoá cơ sở dữ liệu.
Trong những năm qua, đã có nhiều doanh nghiệp liên kết với bà con nông dân và ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra sản phẩm lúa gạo thông qua các hợp tác xã. Điển hình như Tập đoàn Lộc Trời hỗ trợ bà con cơ giới hoá toàn chuỗi trong sản xuất, đồng thời số hoá tất cả các khâu để tiết kiệm tối đa thời gian và nhân lực cho người dân cũng như doanh nghiệp.
Ông CAO GIA HUẤN
Trưởng Ban công nghệ thông tin Tập đoàn Lộc Trời
Trong quá trình sản xuất mùa vụ thì Lộc Trời hỗ trợ cơ giới hoá toàn chuỗi đó là cung cấp drone, phun drone, xạ gieo sạ và các dịch vụ cày cấy. Trong suốt quá trình đó thì có hỗ trợ nhật ký điện tử để giúp bà con ghi nhận cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm của mình nhưng hiện tại đó là anh em kỹ thuật 3 cùng để ghi nhận.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, người dân còn chưa tiếp cận được nhiều với công nghệ. Điều này có thể coi là trở ngại lớn đối với quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp. Bởi lẽ đó, để người dân dễ tiếp cận, có kiến thức cũng như kỹ năng sử dụng các thiết bị thì đòi hỏi công nghệ đưa ra phải gần gũi với người nông dân. Đồng thời, việc số hoá cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp cũng là bài toán được đặt ra.
Ông NGUYỄN VĂN HÙNG
Chuyên gia cao cấp Viện lúa gạo quốc tế IRRI
Các công nghệ số phải phù hợp với nông dân, tiếp cận được với nông dân và dịch ra ngôn ngữ của nông dân. Đồng thời nông dân cũng phải nâng được kiến thức để thay đổi tư duy. Thứ 2 là cơ sở hạ tầng hiện nay thì internet là tương đối tốt so với 1 số nước đông nam á khác. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng về nông nghiệp số thì mình phải số hoá toàn bộ ngành nông nghiệp trước tức là phải chuyển toàn bộ cơ sở dữ liệu và phải tiếp cận được cơ sở dữ liệu về khoa học của đồng ruộng, của lúa gạo. Ví dụ như bệnh đó là bệnh gì, giải quyết như thế nào, dãy biến động như thế nào?....
Ông LÊ THANH TÙNG
Phó cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN-PTNT
Chúng tôi nghĩ rằng khó nhất là chúng ta đã chuyển giao được phương pháp, các công cụ cho các địa phương. Tuy nhiên các địa phương phát huy lên thì cần có 1 nguồn kinh phí, có nhân lực. Số hoá này phải được lồng ghép vào hệ thống số hoá quốc gia bởi chúng ta không chỉ nghĩ làm làm cho ĐBSCL mà chúng ta phải nghĩ làm cho cả nước. Tiến tới chúng ta quản lý toàn bộ các loại cây trồng của Việt Nam chứ không chỉ nói riêng với cây lúa. Như vậy thì ta có thể chủ động hơn với sản lượng của từng loại cây, thời điểm thu hoạch, những rủi ro có thể xảy ra. Thậm chí thể tiến tới ta biết được chất lượng như thế nào và chúng ta có thể tìm kiếm thị trường, rất nhiều thứ chúng ta có thể tích hợp.
Hiện nay, nông nghiệp số trong lĩnh vực trồng trọt là một vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là lúa gạo.
Ông BAS BOUMAN
Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Viện lúa gạo quốc tế IRRI
Để đẩy mạnh nông nghiệp số trong lĩnh vực trồng trọt thì đầu tiên là cần đầu tư các công nghệ mới phù hợp với Việt Nam, thứ 2 là cần có 1 nhóm làm việc chuyên nghiệp về lĩnh vực số hoá ngành nông nghiệp cũng như các công nghệ nông nghiệp số. Đồng thời cần hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp tư nhân đang phát triển mạnh vấn đề này, cũng như các tổ chức quốc tế liên quan tới lĩnh vực lúa gạo.
Tại hội thảo tham vấn “Nông nghiệp số trong lĩnh vực trồng trọt” do Cục trồng trọt phối hợp với Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế IRRI tổ chức mới đây, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã đưa ra nhiều công cụ có thể hỗ trợ hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp và các địa phương như: công cụ xác định và quản lý rủi ro sâu bệnh và dịch bệnh; các công cụ kỹ thuật số của Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế và các hệ thống hỗ trợ ra quyết định. Bên cạnh đó, việc cơ giới hóa thông minh và quản lý sau thu hoạch cũng là một vấn đề quan trọng thu hút được nhiều sự quan tâm.