Tốc độ nuôi biển ở nước ta trong 10 năm qua tăng 16% và đến nay, dư địa, tiềm năng ở lĩnh vực này còn rất lớn.
Ngày 11/5, tại tỉnh Ninh Thuận, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã chủ trì hội nghị Bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển bền vững năm 2022. Theo Tổng cục Thủy sản, nước ta có nhiều vùng vịnh kín, bãi triều ven biển và một phần ở các hải đảo, vùng biển xa bờ phù hợp để phát triển nuôi biển. Tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta hiện ở vào khoảng 500 nghìn ha. Cũng theo Tổng cục Thủy sản, việc đầu tư về cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển ở nước ta hiện nay còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ. Vấn đề quản lý và sử dụng các công trình, các dự án đầu tư còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao, nhiều dự án sau khi xây dựng và đưa vào hoạt động nhưng chưa đạt được công suất thiết kế. Ngoài ra còn nhiều tồn tại về cơ sở hạ tầng, giống và công nghệ nghiên cứu.Để ngành nuôi biển xứng với tiềm năng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị Tổng cục Thuỷ sản ưu tiên phát triển nuôi biển công nghiệp. Khuyến khích đầu tư theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt là triển khai các chương trình, dự án trọng điểm để giải quyết các vấn đề cốt lõi, tạo nền tảng để phát triển ngành nuôi biển hiệu quả, bền vững, thân thiện môi trường. Đồng thời đánh giá thực trạng và nhu cầu hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nuôi biển làm cơ sở để đầu tư sản xuất. Trước mắt, Tổng cục Thủy sản cùng các địa phương tập trung điều tra, lập báo cáo khả thi lựa chọn địa điểm các dự án đầu tư thí điểm tại Quảng Ninh, Phú Yên, Ninh Thuận và Kiên Giang. Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cũng đề nghị Tổng cục Thủy sản xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản trên biển như giống, thức ăn, môi trường, nuôi thương phẩm, lồng nuôi, vùng nuôi… và tổ chức quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản trên biển, kịp thời cảnh báo cho người nuôi khi môi trường biến động bất lợi cho thủy sản nuôi.