Theo Cục Thủy sản, nghề nuôi biển phải phát triển theo hướng công nghệ cao, giảm phát thải, tăng trưởng xanh đúng như cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Cục Thủy sản: Nuôi biển phải gắn với tăng trưởng xanh
Theo Cục Thủy sản, nghề nuôi biển phải phát triển theo hướng công nghệ cao, giảm phát thải, tăng trưởng xanh đúng như cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Với chiều dài bờ biển 250km có hơn 2.000 đảo lớn nhỏ, 40.000 ha bãi triều, hơn 20.000 ha eo, vịnh, Quảng Ninh là một trong những địa phương sở hữu nhiều thế mạnh về phát triển kinh tế biển và thủy sản. Thời gian qua, Quảng Ninh đã xác định lợi thế của địa phương trong phát triển ngành nuôi biển, với chủ trương tránh mâu thuẫn với những ngành kinh tế khác. Thay vào đó là tạo ra giá trị gia tăng của sản phẩm, từng bước đưa Quảng Ninh trở thành Trung tâm thủy sản của miền Bắc.
Ông NGUYỄN MINH SƠN - Giám đốc Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh
Phát triển thủy sản theo hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng, kết hợp hài hòa giữa thủy sản và các ngành kinh tế khác. Trong đó quy hoạch có 50.000 ha nuôi nội địa, 42.246 ha nuôi biển, chiếm khoảng 12% diện tích biển quốc gia. Chúng tôi đẫ hoàn thành quy hoạch phân vùng không gian biển và đã dành ra quỹ mặt biển cỡ hơn 4.000 ha tập trung ở Vân Đồn, Cẩm Phả, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái và Hạ Long để thu hút nuôi biển và tập trung nuôi biển theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Sự quyết tâm cao và cách làm sáng tạo của Quảng Ninh cũng là lí do mà Bộ NN-PTNT sẽ cùng phối hợp với địa phương này tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc phát triển bền vững nuôi biển: Nhìn từ Quảng Ninh với chủ đề với thông điệp mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát động: “Nuôi biển, vì nguồn sống xanh thế hệ mai sau”. Đây sẽ là một trong những hội nghị quy mô và tầm cỡ nhất về nuôi biển từ trước tới nay được tổ chức tại Việt Nam. Sự kiện sẽ diễn ra diễn ra trong 2 ngày, từ 31/3 đến 1/4 tới, tại thành phố Hạ Long.
Ông NGUYỄN NGỌC THẠCH - Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam
Với mong muốn có cách nhìn toàn diện hơn về nuôi biển, từ tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức và tìm kiếm giải pháp, hội nghị mong muốn là cầu nối để các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cùng nhau đánh giá, nhìn nhận thực trạng tổng quan nuôi biển tại Việt Nam hiện nay cũng như trên thế giới với mục tiêu cao nhất là góp phần phát triển ngành hàng nuôi biển bền vững.
Phát biểu tại buổi họp báo mới đây, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản khẳng định, Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - sẽ góp phần mở ra góc nhìn trong lĩnh vực nuôi biển từ cách làm của địa phương này thông qua những quyết tâm trong điều chỉnh, quy hoạch nghề nuôi biển theo hướng mang lại đời sống tốt hơn cho nông dân. Bên cạnh đó, nghề nuôi biển cũng hướng tới các hoạt động giảm phát thải, tăng trưởng xanh, theo cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Ông TRẦN ĐÌNH LUÂN - Cục trưởng Cục Thủy sản
Giảm phát thải, tăng trưởng xanh, lựa chọn đối tượng nào? Nuôi cái gì? Địa điểm nào là rất quan trọng. Chứ suốt ngày chúng ta tấn, tạ, yến mà đi ngược lại cam kết của Thủ tướng chính phủ về giảm phát thải, cái đó là không tốt một tí nào cả. Cam kết của chúng tôi khi trong chỉ đạo sản xuất là cố gắng cùng các địa phương chúng ta có cái hợp lực tốt nhất để khai thác tiềm năng, lợi thế các vùng biển.
“Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh” được tổ chức với mục đích thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 1664 về nuôi biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Nhận diện tình hình nuôi biển trên thế giới và trong nước hiện nay. Đồng thời, triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch nuôi biển và các thủ tục đánh giá tác động môi trường, tháo gỡ khó khăn trong cấp phép, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.