Xuất phát từ tìm nguồn phân bón sạch để phục vụ cho cây trồng, bà Võ Thị Lấn làm mô hình nuôi bò kết hợp trùn quế cho doanh thu hàng tỷ đồng.
Nuôi bò kết hợp trùn quế, thu tiền tỷ giải quyết ô nhiễm môi trường
Đây là trang trại bò kết hợp nuôi trùn quế rộng hơn 6ha của bà Võ Thị Lấn ngụ xã Phan, huyện Dương Minh Châu. Xuất phát từ ý tưởng tìm nguồn phân bón sạch để phục vụ cho 50 ha cây trà, hơn 10 năm trước, bà Lấn bắt đầu thực hiện mô hình nuôi bò kết hợp trùn quế. Giống bò bà ưu tiên phát triển là bò 3B và bò BRAKman vì 2 loai giống này có nhiều ưu điểm như phàm ăn, ngoại hình đẹp, ít dịch bệnh, tăng trọng nhanh, phân nhiều. Nhờ quy hoạch khu nuôi bài bản, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện trang trại của bà có gần 800 con bò, trong đó, 300 bò sinh sản và khu nuôi trùng quế trên 6.000 m2. Chỉ tính riêng nguồn phân, mỗi năm đem lại doanh thu tương đương trên 3 tỷ đồng.
Bà Võ Thị Lấn xã Phan, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.
Khi tôi tìm hiểu tất cả cây nguyên liệu ngày xưa ba tôi trồng không bón gì hết mà cây rất tốt, bây giờ mình trồng tập trung rồi phải bón phân sạch, phân vi sinh. Vậy phân vi sinh phải lấy từ đâu ra, đầu tiên tôi mua phân bò thì tiền chịu không nổi, sau đó tôi tìm hiểu đi mua phân trùn ở Củ Chi, trong vòng chưa đầy 1 tháng, lúc bấy giờ tôi mua 2000 đồng/kg mà tiền phân đội lên tính sổ gần 1 tỷ đồng tiền phân nên tôi mới nuôi trùn. Nuôi bò là minh lấy phân, mình phải cho ăn no, cho ăn no nó mới có phân cho mình, bây giờ bỏ đói nó mình nuôi 10 con không bằng mình cho ăn no mình nuôi 2 con thôi là nó có phân đủ cho mình. Khi nó lớn rồi, nó không nhảy nọc được, không để được mình bán thịt thì nó cũng có nguồn lợi cho mình.
Ông Bành Văn Tài PCT UBND xã Phan, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.
Xã Phan là xã đa số sống bằng nghề nông nghiệp và chăn nuôi, trên địa bàn xã có 1 trại chăn nuôi của cô Võ Thị Lấn, cô phát triển khoảng 10 năm nay, sau khi cô thành lập trang trại chăn nuôi khép kín cô sử dụng phân đó để nuôi trùng quế tạo thu nhập doanh nghiệp. Khi nhân dân có nhu cầu phối giống cô cũng tạo điều kiện lấy giống bò tốt nhất để giúp đỡ cho bà con. Theo tôi nghĩ mô hình này là mô hình phát triển cần nhân rộng và phát triển hơn nữa, giữa việc chăn nuôi lấy chất thải để nuôi lại trùng quế tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương.
Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, hiện Tây Ninh có tổng đàn bò thịt lên đến gần 100.000 con. Những năm gần đây, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đã không ít hộ mạnh dạn chuyển đổi từ quy mô nhỏ lẻ sang hình thức trang trại tuần hoàn khép kín. Mô hình của bà Lấn là một trong những mô hình tiêu biểu trong gần 500 trang trại tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Linh Chi cục Phó Chi cục Chăn nuôi – Thú y Tây Ninh
Từ việc chúng ta đang hướng đến nền nông nghiệp bền vững tuần hoàn và sản xuất sản phẩm an toàn và bảo vệ môi trường thì có nhiều mô hình đảm bảo yêu cầu đó. Trong đó thì có chăn nuôi kết hợp nuôi trùng quế, ở Tây Ninh có một số trang trại, trong đó có trang trại bà Lấn, việc sử dụng phân bò để nuôi trùng quế để thu hoạch trùng quế và phân để bón lại cây trồng đây là một chuỗi tuần hoàn khép kín,như vậy sản phẩm phụ phẩm của chăn nuôi bò sẽ được sử dụng có hiệu quả đối với nuôi trùng quế để thu hoạch phân, phân này có hiệu quả cây trồng.
Định hướng của Tây Ninh giai đoạn 2022-2025 sẽ phát triển ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đồng thời, đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hoá chất lượng cao, an toàn, phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn bò thịt địa phương đạt 105.000 con.