Cộng đồng người Ba Na ở Gia Lai đã thay đổi cách trồng, chăm sóc cà phê theo các tiêu chuẩn, chất lượng. Sau ba năm chuyển đổi đến nay đã có 150 hộ gia đình làm nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ.
Người Ba Na nói không với phân bón hóa học
Cộng đồng người Ba Na tại tỉnh Gia Lai đã thay đổi cách trồng, chăm sóc cà phê theo các tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu. Sau ba năm chuyển đổi đến nay đã có 150 hộ gia đình làm nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ.
Những năm gần đây, huyện Đăk Đoa đã hình thành liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu cà phê. Để đáp ứng chất lượng của sản phẩm nên người dân, đặc biệt là người đồng bào Ba Na tại huyện Đăk Đoa đang dần thay đổi cách thức sản xuất theo hướng hữu cơ đạt chuẩn chứng nhận toàn cầu, phục vụ người tiêu dùng. Cách sản xuất này không những bảo vệ sức khoẻ của người tham gia sản xuất trực tiếp mà còn thân thiện với môi trường.
Ông Uê (xã Glar, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai).
Trước đây, cứ thấy vài quả chính là gia đình hái hết cả vườn cây, như vậy năng suất, chất lượng không đảm bảo. Còn hiện tại, công đoạn hái được gia đình chia làm nhiều giai đoạn, ưu tiên hái những quả chín để đảm bảo tiêu chuẩn.
Chính nhờ thay đổi tư duy canh tác cây cà phê từ truyền thống sang sản xuất cà phê theo hướng 4C, gia đình ông Uê không chỉ bán được cà phê tươi với giá cao mà còn tiết kiệm được nhiều khoản chi phí như tiền phân, thuốc men, công làm cỏ, xịt cỏ… Đặc biệt, có thể tận dụng tối đa những phụ phẩm như bơ, đậu nành, chuối…ủ để làm phân bón cho cây trồng… Với phương pháp này, giá cà phê sẽ được tăng thêm từ 2 - 4 giá so với thị trường. Đồng thời, người dân cũng không phải lo đầu ra vì được bao tiêu. Từ những thành công của gia đình ông Uê và các hộ dân làm nông nghiệp hữu cơ mà đến nay toàn xã Glar (huyện Đăk Đoa) đã thu hút 150 hộ dân vào quá trình sản xuất này.
Ông Lê Hữu Anh, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai).
Khi tham gia thay đổi và làm theo quy trình canh tác mới, chi phí đầu tư giảm ngay trong năm đầu tiên. Chúng tôi có giải pháp giảm được phân bón hóa học vẫn đảm bảo cho vườn cây đạt năng suất. Và năng suất đó duy trì cho đến tận năm sau. Hiện nay đã có khoảng trên 150 hộ tham gia vào vườn cây ứng dụng chế phẩm vi sinh để chăm sóc vườn cây.
Hiện tại, HTX đồng hành cùng tất cả những vườn tham gia vào để hướng dẫn cho bà con áp dụng đúng quy trình và đem lại hiệu quả cao nhất.
Ông Bùi Quang Thoại, Phó chủ tịch UBND xã Glar (huyện Đăk Đoa).
Do cây cà phê là nguồn thu nhập chính nên những năm gần đây người dân đã mạnh dạn thay đổi các giống mới vào tái canh và chăm sóc cà phê duy trì năng suất bền vững. Về kinh tế của người dân, trong những năm gần đây nhờ cây cà phê cùng với chăn nuôi đời sống người dân đã phát triển, theo đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn cũng đã giảm dần qua các năm.
Từ những thành công ở vườn cà phê hữu cơ cho năng suất từ 3-5 tấn nhân/ha, bà con người thiểu số đã bắt đầu biết nói không với phân hóa học và chuyển đổi sang thực hành nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường. Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho ngành nông nghiệp huyện Đăk Đoa nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung.