Với diện tích mặt nước lòng hồ Thuỷ điện Tuyên Quang hơn 8.000ha, điều kiện thuận lợi cho huyện Na Hang phát triển và làm giàu từ nghề nuôi cá đặc sản.
Liên kết nuôi cá đặc sản ở để làm giàu
Với diện tích mặt nước lòng hồ Thuỷ điện Tuyên Quang hơn 8.000ha là điều kiện thuận lợi cho huyện Na Hang (Tuyên Quang) phát triển và làm giàu từ nghề nuôi cá đặc sản.
Công ty TNHH Thủy sản Nhật Nam là đơn vị có số lượng lồng cá lớn nhất trên khu vực lòng hồ Thuỷ điện Tuyên Quang. Hiện Công ty có nuôi 35 lồng cá đặc sản. Ngoài cá tươi sống, công ty còn xuất ra thị trường các sản phẩm cá đã qua chế biến …
Anh Nguyễn Văn Hành, cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Thuỷ sản Nhật Nam
Hiện trong bè đang nuôi 35 lồng cá, trong đó có cá lăng, trạch, cá chép không vẩy, đặc biệt nuôi thêm cá trình. Môi trường nước trên hồ sạch thuận lợi cho cá phát triển tốt.
Cùng với những lồng cá hiện có, Công ty cũng đang liên kết với 10 hộ dân đầu tư lồng bè để phát triển chăn nuôi các loại cá đặc sản theo quy trình an toàn như cá quả, cá lăng, cá bỗng... Theo hợp đồng thì sau khi cá đến tuổi xuất bán, công ty thu mua lại toàn bộ sản phẩm để tiêu thụ cho các hộ dân. Liên kết nuôi cá theo quy trình cá sạch, công ty đã giảm bớt chi phí đầu tư cũng như quản lý mà vẫn tạo ra được lượng sản phẩm đủ để cung ứng cho thị trường.
Trung bình mỗi năm, Công ty TNHH Thuỷ sản Nhật Nam cung ứng ra thị trường khoảng 80 tấn cá, các đặc sản do công ty nuôi và khoảng 50 tấn cá liên kết với các hộ dân.
Tích lũy kinh nghiệm chăn nuôi cá nhiều năm, nghề nuôi cá đặc sản đã giúp không ít những hộ gia đình có thu nhập khá. Nhiều hộ đã chủ động xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, xây dựng sản phẩm OCOP cho sản phẩm cá đặc sản vùng lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang.
Ông Vi Ngọc Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Na Hang
Một số hộ, HTX đã xây dựng được sản phẩm OCOP từ thuỷ sản, như Công ty TNHH Nhật Nam có 4 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm 3 sao, 2 sản phẩm 4 sao.
Được công nhận đạt OCOP giúp nâng cao chất lượng và giá trị của cá, việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn.
Những năm qua, nghề thuỷ sản ngày càng phát triển mở rộng ở Na Hang. Đến nay, toàn huyện có trên 1.000 lồng cá, với hơn 100 hộ nuôi, trong đó có 2 doanh nghiệp, 2 HTX tham gia nuôi cá đặc sản với quy mô lớn, tổng sản lượng khai thác đạt 700 tấn/năm.
Ông Vi Ngọc Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Na Hang
Đối với huyện Na Hang có lồng hồ thuỷ điện Tuyên Quang có lợi thế cho dân nuôi cá trên lòng hồ. Đặc biệt trong những năm qua ngành thuỷ sản của huyện Na Hang phát triển rất tốt. Hiện nay toàn huyện có trên 100 hộ nuôi với hơn 1.000 lồng cá.
Đối với huyện cũng xây dựng kế hoạch phát triển thuỷ sản, nuôi cá đặc sản có giá trị kinh tế cao. Quá trình tổ chức triển khai, ngành nuôi trồng thuỷ sản giúp tăng thu nhập cho bà con.
Cá nuôi lồng trên hồ thủy điện Tuyên Quang có nhiều ưu điểm, như dễ chăm sóc, nuôi được mật độ cao, thức ăn sẵn có, nuôi được nhiều chủng loại cá, nhất là những loại cá đặc sản, góp phần giảm chi phí trong nuôi trồng, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, môi trường ít bị ô nhiễm, lượng oxy trong nước cao, nguồn nước luôn được lưu thông cũng là những điều kiện thuận lợi để cá lồng sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng thịt ngon, được người tiêu dùng ưa thích.