Ông Lê Hùng Anh ở xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, đã thành công trong việc nuôi sâu canxi vừa làm thức ăn cho đàn vật nuôi cũng như sản xuất phân bón hữu cơ cho cây trồng.
Hiệu quả trang trại hữu cơ từ nuôi sâu canxi
Ông Lê Hùng Anh ở xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, đã thành công trong việc nuôi sâu canxi vừa làm thức ăn cho đàn vật nuôi cũng như sản xuất phân bón hữu cơ cho cây trồng.
Tình cờ biết được mô hình nuôi sâu can xi hiệu quả tại huyện Củ Chi (TP. HCM), ông Lê Hùng Anh đã không ngần ngại đưa về áp dụng trên trang trại của gia đình. Với diện tích còn trống khoảng 80m2, ông đã xây các bể để nuôi sâu canxi.
Nuôi sâu canxi rất dễ, chỉ cần tận dụng các phế phẩm như rau, củ, quả, làm thức ăn cho sâu. Trong khi chi phí đầu tư thấp và không ảnh hưởng đến môi trường.
Trung bình 1 tháng, gia đình ông Lê Hùng Anh thu khoảng 1-2 tấn sâu can xi thành phẩm. Chính bởi sâu can xi giàu chất dinh dưỡng, ông đã sử dụng để làm thức ăn cho trang trại gà với hơn 4.000 con mỗi năm và hàng chục con heo nái. Ngoài ra, sâu can xi còn được chế biến làm phân bón cho 4ha cà phê của gia đình.
Phỏng vấn ông Lê Hùng Anh (Thôn 5, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh):
Khi mà nuôi sâu can xi này thì nó là mô hình nuôi rất là dễ, thứ hai là cho năng suất cao, thứ 3 nữa là khi mà ra sản phẩm từ con sâu này thì nó là thực phẩm sạch để mình chăn nuôi bất cứ con gì. Phân từ sâu can xi này mình bón cho cây công nghiệp, cây lâu năm, cây ngắn ngày và tất cả các loại cây đều cho ra sản phẩm sạch. Tôi đã làm mười mấy năm nay rồi, 2-3 năm nay tôi làm rất là hiệu quả.
Trải qua hơn 10 năm theo đuổi nền nông nghiệp hữu cơ từ nuôi sâu can xi, mô hình của ông Lê Hùng Anh được nhiều nông dân tìm đến học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm. Đặc biệt, vừa qua đã có 180 hội viên nông dân ở huyện Phú Thiện và thị xã Auyn Pa tìm đến tham quan, học hỏi mô hình sâu can xi của gia đình.
Phỏng vấn ông Lê Hùng Anh (thôn 5, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh):
Khi bà con thích nuôi và thích làm thì tôi bán trứng cho họ và truyền bá quy trình kỹ thuật này cho rất nhiều huyện trên tỉnh Gia Lai này, cả Đà Nẵng và con sâu của tôi nó cũng sang tận Campuchia rồi. Bà con rất thích nuôi con sâu này, vừa để chăn nuôi, vừa để trồng trọt.
Với mô hình trang trại hữu cơ từ sâu can xi, gia đình ông Lê Hùng Anh mỗi năm thu về trên 1 tỷ đồng. Không những vậy, gia đình còn mở rộng quy mô sản xuất cũng như đăng ký tham gia Chương trình OCOP để có thêm nhiều cơ hội phát triển thị trường.
Phỏng vấn ông Võ Xuân Bảo, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Păh:
Ông Lê Hùng Anh là một nông dân thực thụ. Từ năm 2010, ông đã có tư tưởng nuôi sâu can xi để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, tạo ra sản phẩm sạch, tiêu thụ sản phẩm sạch. Ông là người tiêu biểu đi đầu, ông Lê Hùng Anh rất có tinh thần học hỏi, rút kinh nghiệm. Hiện nay, tạo ra sản phẩm sạch, phát triển kinh tế cho hộ nông dân. Ngoài phát triển kinh tế sâu can xi còn có ảnh hưởng tích cực về môi trường.
Việc ông Lê Hùng Anh xây dựng trang trại hữu cơ từ mô hình nuôi sâu canxi đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Cách làm của ông đã khẳng định tư duy mới trong phát triển nông nghiệp bền vững. Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Chư Păh sẽ đẩy mạnh truyền truyền triển khai mô hình nuôi sâu can xi, qua đó giúp người dân phát triển theo hướng hữu cơ hiệu quả.