Nhiều hộ nuôi tôm siêu thâm canh tại huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đang áp dụng quy trình tuần hoàn ít thay nước giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.
Nuôi tôm siêu thâm canh theo quy trình tuần hoàn ít thay nước
Hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn huyện Cái Nước đang áp dụng quy trình tuần hoàn ít thay nước tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường trong nuôi tôm. Anh Huỳnh Thái Nguyên, ấp Cái Hàng, xã Tân Hưng Đông, áp dụng thành công quy trình nuôi tôm siêu thâm canh tuần hoàn ít thay nước. Với diện tích hơn 6.000m2 đất sản xuất, anh bố trí ao dèo theo hình thức ao nổi, ao nuôi tôm được xây dựng liền kề có diện tích 2.000m2 và diện tích còn lại là hệ thống ao lắng tuần hoàn. Nguồn nước phục vụ cho tôm nuôi được xử lý duy nhất một lần để loại bỏ vi sinh, mầm bệnh và cấp vào ao đầm nuôi tôm.
PB: Ông HUỲNH THÁI NGUYÊN - Xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau: “Mình nuôi vi sinh bản địa, vi sinh tại địa phương, tại khu vực đầm tôm của mình đang làm mình có một cái cách kích vi sinh nó lên rồi mình nuôi nó luôn, minh không có đánh vi sinh ngoại lai bên ngoài vào, vi sinh đó mình kích lên lần đâu thôi nó sẽ sống hoài rồi mình sụt khí, trong ao mình giữ lại một ít khí độc làm dinh dưỡng cho vi sinh vật và rong rêu thì nó tự cân bằng”.
Với quy trình nuôi tôm tuần hoàn ít thay nước, không chỉ tiết kiệm được chi phí sản xuất, mà còn giúp tôm nuôi phát triển nhanh và rút ngắn thời gian thu hoạch. Chỉ sau 90 ngày chăm sóc, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh hộ anh Huỳnh Thái Nguyên thu hoạch đạt trọng lượng 20 con/kg và năng suất 50 tấn/ha/vụ.
Anh Trần Văn Phận, ấp Bào Bèo, xã Lương Thế Trân. Năm 2023, anh chuyển sang quy trình nuôi tôm tuần hoàn ít thay nước. Với diện tích 1 héc ta, trung bình mỗi vụ anh tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng tiền hóa chất xử lý nguồn nước.
PB: Anh TRẦN VĂN PHẬN, Ấp Bào Bèo, Xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước
“Em thấy tuần hoàn nước này, thứ nhất mình nuôi con tôm mình ổ định hơn hồi trước truyền thống bơm nước mới ở ngoài vô, nhằm khi bị này bị kia còn nước tuần hoàn đã sạch rồi mình bơm vô con tôm mình ổn định hơn nguồn nước mới nó vô, con tôm ổn định độ thành công cao hơn mình lấy nước mới”
PB: Anh NGUYỄN VĂN TÝ - Cán bộ Nông nghiệp – Thủy sản xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước:
“Mô hình nuôi tuần hoàn nước này thấy rất hiệu quả, chi phí đầu vào giảm nhiều, rồi thêm một cái nữa thì hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, góc độ địa phương xã sẽ tuyên truyền các hộ nuôi thực hiện mô hình nuôi tuần hoàn này đảm bảo môi trường và hạn chế chi phí đầu vào cho bà con”.