Phát triển chuỗi giá trị dừa được xác định là mũi nhọn kinh tế của tỉnh. Tuy vậy, trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, hạn mặn kéo dài như hiện nay thì việc tìm ra các giải pháp nâng cao chuỗi giá trị ngành dừa là nhiệm vụ rất quan trọng.
Phát triển chuỗi giá trị cây dừa Bến Tre
MC: Thưa quý vị và bà con! Để phát huy lợi thế và hiệu quả sản xuất của cây dừa, trong nhiều năm qua, tỉnh Bến Tre đã khuyến khích, hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình trồng dừa hiệu quả, tăng cường liên kết trồng dừa gắn kết với doanh nghiệp bao tiêu. Đồng thời, huy động nguồn lực phát triển ngành công nghiệp chế biến dừa, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ dừa. Mời quý vị và bà con cùng theo dõi phóng sự sau!
Nhắc tới cây dừa, ai cũng sẽ nghĩ tới tỉnh Bến Tre. Bởi, đây là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước, với hơn 77.000 ha, chiếm trên 40% diện tích trồng dừa của cả nước. Dừa được mệnh danh là có ngàn công dụng gắn bó với đời sống tinh thần và vật chất của người dân từ bao đời. Gần như mọi bộ phận của nó đều có thể phục vụ cho con người. Lá dừa làm chổi, vách nhà hay vác nhà, thân dừa có thể làm ván, bàn ghế, tủ, sọ dừa làm gáo, các loại nhạc cụ, thủ công mỹ nghệ… Và phần mang lại giá trị kinh tế nhiều nhất đó là trái dừa, với nguồn khoáng chất và vitamindồi dào, có giá trị dinh dưỡng cao và có lợi cho sức khoẻ.
Ông CÙ VĂN THÀNH - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty TNHH chế biến dừa Lương Qưới, Bến Tre
Cây dừa hiện nay được các nhà khoa học trên thế giới đánh giá là 1 sản phẩm rất thân thiện, có lợi cho sức khoẻ, là 1 sản phẩm về dinh dưỡng và rất an toàn.Ví dụ: giới y học của Hoa kỳ, Châu âu đánh giá nước dừa là loại nước phục vụ cho con người tốt nhất trong các loại nước.
Mặc dù có nhiều giá trị kinh tế, nhưng trong 1 thời gian dài dừa vẫn chưa phát huy được hết thế mạnh của nó. Tại Bến Tre, thu nhập bình quân của người trồng dừa đạt từ 60-68 triêu đồng/ ha/năm. Con số này khá khiêm tốn so với một số loại cây ăn trái khác trong vùng. Bên cạnh đó, khó khăn của tỉnh Bến Tre là diện tích canh tác của các hộ dân còn manh mún, nhỏ lẻ. Bình quân diện tích trồng dừa của mỗi hộ dân chỉ khoảng 0,4 ha.
Ông TRẦN ANH TUẤN Chủ tịch Hiệp hội dừa Bến Tre
Quá trình thực nghiệm và quá trình tổ chưc sản xuất thì đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi tôm trong vườn dừa tạo được hiệu quả kinh tế. Thứ 2 là trồng xen các loại cây khác trong vườn dừa. Có 2 loại cây được đưa vào xen canh với cây dừa là trồng cây cacao và thứ 2 là trồng cây có múi.
Đây là mô hình trồng ca cao xen canh với cây dừa đang cho năng suất cao hơn so với trồng riêng lẻ. Với mô hình này, gia đình ông Nguyễn Văn Tuý có thể thu về khoảng 150 triệu/năm. Bên cạnh đó, 2 loại cây này cũng bổ trợ cho nhau trong quá trình sinh trưởng nên hiệu quả đạt được rất cao.
Ông NGUYỄN VĂN TUÝ Xã Phú Túc, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre
Nhờ cây dừa che bớt lá cho cây ca cao mát thì năng suất cây ca cao cho trái nhiều lắm, nếu chỉ trồng cây ca cao không thì năng suất không cao. Ca cao hỗ trợ cây dừa là ví dụ giờ mình rải phân cây ca cao thì cây dừa cũng hưởng, trái cây ca cao cũng nhiều.
Trong đợt hạn mặn lịch sử vào năm 2015, đầu năm 2016, tại ĐBSCL cây dừa đã cho thấy sự thích ứng với hạn mặn. Với nhiều loại cây, ở độ mặn lớn hơn 2/1000 (2 phần nghìn) có thể bị chết nhưng cây dừa vẫn có thể sống và cho quả kể cả khi độ mặn lên 5/1000.
Vườn dừa rộng 2,5ha này là minh chứng như vậy, tất cả đều xanh mướt, quả xum xuê như chưa hề trải qua đợt hạn mặn nào. Đất trong vườn lúc nào cũng giữ được độ ẩm tốt và đó là 1 phần bí quyết tạo nên sự thú vị đó.
Anh LƯƠNG PHÚC THỊNH Chủ vườn dừa tại Bến Tre
Từ lúc hơi mặn cho đến lúc mặn đắng nhất đã quen rồi nên nó không có ảnh hưởng gì hết. Khi nào bỏ nước tưới 1 thời gian rất lâu tưới lại thì chắc chắn cây dừa sẽ bị rụng trái và bị ảnh hưởng. Còn bay giờ cứ tưới mỗi ngày thì sản lượng dừa vẫn sẽ như vậy.
Đến nay, trung bình mỗi năm sản lượng dừa của Bến Tre đạt hơn 500 triệu quả. Với sản lượng lớn như vậy, việc tăng cường hoạt động sản xuất, chế biến dừa và đẩy mạnh xuất khẩu được xem là giải pháp toàn diện và ổn định thu nhập của người nông dân, cũng như nâng cao giá trị các sản phẩm từ dừa của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Ông CÙ VĂN THÀNH - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty TNHH chế biến dừa Lương Qưới, Bến Tre
Nếu chúng ta chế biến sâu thì chúng ta không phụ thuộc mùa vụ hoàn toàn. Ví dụ mùa vụ chúng ta tập trung sản xuất, chế biến xuất khẩu và 1 phần có thể dự trữ.
Ông ĐOÀN VĂN ĐẢNH Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre
Nâng cao năng lực chế biến, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Để chúng ta đa dạng hoá, mở rộng thị trường tạo công ăn việc lầm nhiều hơn. Đồng thời, hỗ trợ mặt kỹ thuật, gắn kết chuỗi giá trị của cây dừa. Làm sao giữa tiêu thụ và chế biến gặp gỡ nhau để người dân bớt đi truung gian, doanh nghiệp cung chủ động được nguồn nguyên liệu…
Hiện, ngành dừa Bến Tre hiện có hơn 100 doanh nghiệp, hằng năm kim ngạch xuất khẩu ngành dừa của tỉnh đạt khoảng 300 triệu USD. Bến Tre đặt mục tiêu năm 2025 ngành dừa của tỉnh sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỉ USD. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của cây dừa Việt Nam trong tương lai.
Và đến nay, ngành công nghiệp chế biến dừa tại Bến Tre đang tạo việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động. Đây là bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm tăng tỷ lệ công nghiệp dịch vụ của Bến Tre so với nông nghiệp.
Cây dừa đã được các nhà khoa học khẳng định là 1 loại cây thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nếu như loại cây này không mang lại thu nhập và cuộc sống ổn định cho người dân thì nó rất khó phát huy được giá trị vốn có. Vì vậy, trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu cây dừa cần được đánh giá đúng vai trò của nó. Từ đó mở ra hướng đi mới cho người nông dân tại Bến Tre nói riêng và các tỉnh ĐBSCLnói chung.
MC cuối: Qua phóng sự vừa rồi, quý vị và bà con có thể hiểu rõ hơn sự phát triển không ngừng của cây dừa trên vùng đất “Chín rồng”, và tiêu biểu là tại thủ phủ dừa Bến Tre. Mong rằng, trong tương lai, các sản phẩm từ cây dừa sẽ ngày càng đa dạng hơn và trở thành một ngành hàng mũi nhọn của nước ta.
Xin cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và bà con! Xin tạm biệt và hẹn gặp lại trong các chương trình sau.