Phi công Vũ Xuân Thiều đã biến chiếc MiG-21 thành 'tên lửa thứ 3' tiêu diệt 'pháo đài bay' B-52 của địch trong chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm 1972.
Dù đã hơn 50 năm trôi qua, nhưng những kí ức về người em trai Vũ Xuân Thiều vẫn còn in đậm trong tâm trí ông Thăng. Căn nhà số 21 phố Đặng Dung quận Ba Đình, TP Hà Nội là nơi lưu giữ kí ức tuổi thơ của Anh hùng Lực Lượng vũ trang, Phi công Vũ Xuân Thiều.
Khi còn đang là sinh viên năm 3 Đại Học Bách Khoa Hà Nội, Vũ Xuân Thiều đã chốn gia đình để nhập ngũ. Sau khi được trúng tuyển anh mới báo tin về cho gia đình.
Năm 1968, sau khi hoàn thành xuất sắc khóa học tập và huấn luyện bay ở Liên Xô, phi công Vũ Xuân Thiều trở về nước và được biên chế về Trung Đoàn Không quân Sao Đỏ, Đại đội 9, Trung Đoàn 927, Sư đoàn 371, Quân chủng Không quân.
Ông Vũ Xuân Thăng - Anh trai Anh hùng liệt sỹ - phi công Vũ Xuân Thiều cho biết: "Em trai tôi Vũ xuân thiều là người con thứ 7 trong gia đình, từ khi còn làsinh viên trường Đại học Bách Khoa chú Thiều đã xin được đi nhập ngũ, sau khi trúng tuyển chú đã đi sang Liên Xô để học huấn luyện phi công. Sau khi tốt nghiệp về Việt Nam chú đã lái máy bay Mig 21".
Đêm ngày 28/12/1972, đêm thứ 11 của chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, phi công Vũ Xuân Thiều được lệnh cất cánh từ sân bay dã chiến Thanh Hóa, anh điều khiển chiếc máy bay Mig 21 lao vút vào bầu trời đêm, lách qua áp sát B52 của kẻ địch. Hai quả đạn đã phóng nhưng B52 cuả địch chỉ bị thương.
Với tinh thần quả cảm, Phi công Vũ Xuân Thiều cùng với chiếc Mig21 biến thành quả tên lửa thứ 3 lao vào B52 của địch.
Đây là một mảnh xác B52 do Phi công Vũ Xuân Thiều bắn rơi, được ông Thăng giữ gìn cẩn thận trong chiếc hộp nhỏ để cạnh bức tượng của Phi công Vũ Xuân Thiều như một minh chứng cho sự hy sinh, lòng quả cảm của người phi công.
Ông Vũ Xuân Thăng - Anh trai Anh hùng liệt sỹ - phi công Vũ Xuân Thiều cho biết: "Trong trận đấu 12 ngày đêm đó thì đêm nào bác Võ Nguyên Giáp cũng theo dõi, trong đó có theo dõi trận đánh của chú Thiều và bác theo dõi tại sở chỉ huy ở nhà".
Là một đồng đội tham gia chiến đấu cùng phi công Vũ Xuân Thiều tại trung đoàn không quân tiêm kích 921, sư đoàn 371, ông Nguyễn Công Huy là một trong những phi công tham gia chiến đấu cùng phi công Vũ Xuân Thiều vẫn không thể quên được những kí ức đẹp đẽ về người phi công cảm tử, liệt sỹ Vũ Xuân Thiều.
Để tri ân đồng đội của mình ông đã viết cuốn sách Vũ Xuân Thiều – Người phi công cảm tử, cuốn sách như lời minh chứng lịch sử cho những chiến công vẻ vang của không quân Việt Nam ta.
Đại tá Nguyễn Công Huy - Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 371 cho biết: "Chí khí của a Thiều như là làm trai đứng ở trong trời đất phải có cái danh gì với núi sông. Do đó anh Thiều đã nghĩ mình phải làm lên một công trạng gì đó".
Ông Huy đã không cầm được nước mắt khi nhắc về đồng đội của mình, có lẽ tháng 7 này luôn là khoảng thời gian mà trái tim người lính như ông Huy cảm thấy nghẹn ngào, bởi những kỉ niệm của tình đồng đội ùa về, xen lẫn sự đau thương mất mát về kí ức đêm định mệnh ngày 28 tháng 12 năm 1972.
Đại tá Nguyễn Công Huy - Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 371 cho biết: "Hôm 28 tháng 12 thì Thiều đã làm một cái chuyến bay kỳ tích rất là cảm tử hành động anh hùng cách mạng đã sẵn sàng lao thân mình biến thành quả tên lửa thứ ba vào B52 và chiến công đêm hôm đó bầu trời Sơn La sáng rực lên, Thiều đã hy sinh ở ngọn đồi đó cùng với xác B52. Đối với tôi những kỷ niệm với anh Thiều không bao giờ phai mờ, những người như anh Thiều là bất tử, mãi mãi là tinh cầu bay trong đêm trắng".
Những dòng thư của Phi công Vũ Xuân Thiều như lời khẳng định về lòng dũng cảm, quyết chiến đến cùng với kẻ thù để bảo vệ cho sự bình yên quê hương đất nước. Trong đó có đoạn:
“Ngồi nhìn cột khói Đức Giang mà đau lòng, ngồi nghe tin tức nó đánh các thành phố mà uất ức, mà nhất là nghe tin nó đánh Hà Nội. Với B52 tất cả đều sẵn sàng quyết chiến, bằng bất cứ giá nào cũng đánh, bất cứ điều kiện nào cũng đánh..."
Thiếu tá Trịnh Lương Hương Giang - Tuyên truyền viên, Bảo tàng Phòng không không quân cho biết: "Tại bảo tàng có trưng bày những hiện vật về phi công trong chiến dịch Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, các em nhỏ khi đến với bảo tàng cũng đã biết đến phi công Vũ Xuân Thiều, anh là đại diện của thế hệ tri thức Việt Nam ở giai đoạn trước đó".
Chiến công của Liệt sỹ, Phi công Vũ Xuân Thiều đã góp phần quan trọng đưa đến thắng lợi của Chiến dịch Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không. Vũ Xuân Thiều sẽ mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ Việt Nam noi theo về lòng dũng cảm, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, để mang lại hòa bình cho đồng bào, nhân dân cả nước.