Xác định việc tháo gỡ 'thẻ vàng' của EC là trách nhiệm chung, tỉnh Sóc Trăng đang tiếp tục rà soát, nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác IUU.
MC CHÀO ĐẦU: Thưa quý vị và các bạn, hơn 5 năm kể từ sau khi nhận thẻ phạt của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với lĩnh vực khai thác thủy sản tại Việt Nam; công tác chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là chống khai thác IUU) tại tỉnh Sóc Trăng đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực, tác động mạnh đến từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Nhưng nhìn chung, vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định.
Xác định rõ việc tháo gỡ “thẻ vàng” là trách nhiệm chung của nhiều tỉnh, thành trên cả nước; tỉnh Sóc Trăng hiện vẫn đang tiếp tục rà soát, nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế; chuẩn bị sẵn sàng các nội dung phục vụ đợt kiểm tra lần thứ 5 của đoàn thanh tra Ủy ban Châu Âu (EC) trong những tháng cuối năm 2024. Sau đây mời quý vị và các bạn theo dõi phóng sự do Báo NNVN thực hiện.
Qua rà soát, toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 345 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên, tất cả đã lắp đặt thiết bị máy giám sát hành trình. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tình trạng tàu cá mất kết nối vẫn còn xảy ra thường xuyên. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 80 tàu mất kết nối trên 6 tiếng, 13 tàu mất kết nối trên 10 ngày, 44 tàu mất kết nối trên 6 tháng. Qua công tác theo dõi, Chi cục Thủy sản tỉnh đã kịp thời liên hệ chủ phương tiện và ngư dân có tàu cá từ 24 mét trở lên khắc phục lỗi mất kết nối theo thông báo của Cục Thủy sản; các trường hợp còn lại cũng được Chi cục phối hợp cùng đơn vị cung cấp thiết bị và nhà mạng hỗ trợ người dân biện pháp.
Ông LƯ TẤN HÒA - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng: “Theo sự chỉ đạo của Sở NN-PTNT chúng tôi trực 24/24 vè kiểm tra giám sát hành trình, theo dõi các tàu cá trên hệ thống về giám sát hành trình khi cập cảng…..”
Đối với công tác quản lý tàu cá, đến nay đã có 322 trong tổng số 345 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên đã được cấp, đổi, gia hạn giấy phép khai thác thủy sản. Tuy nhiên qua kiểm tra, hiện vẫn ghi nhận nhiều trường hợp tàu cá vi phạm vùng khai thác so với giấy phép được cấp, gây khó cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác. Ngoài ra, có 378/458 tàu cá (chiều dài lớn nhất từ 6 mét đến dưới 15 mét) hết hạn giấy phép khai thác thủy sản. Chi cục Thủy sản đã thông báo cho lực lượng Biên phòng và địa phương thực hiện giám sát không cho các tàu cá này hoạt động trên biển. Đồng thời, tổ chức triển khai hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử. Qua đó, đã hỗ trợ cho 250 chủ tàu và thuyền trưởng tải ứng dụng cài đặt và sử dụng phần mềm.
Trung tá LÊ TIẾN ANH - Phó đồn trưởng, Đồn Biên phòng Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng: “Thường xuyên tổ chức, tuần tra các địa bàn đơn vị quản lí để theo đúng với quy định để xử lí. Phối hợp các cơ quan vận động ngywoif dân thực hiện đúng quy định….”
Hướng đến mục tiêu tháo gỡ “thẻ vàng”, xây dựng và phát triển nghề cá tỉnh nhà theo hướng bền vững, hiện đại; thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng cũng đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác IUU, đặc biệt là Chỉ thị số 32 ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản. Nhiều giải pháp vẫn đang được ngành tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan nhằm chung sức cùng cả nước , sớm “khơi thông” hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Châu Âu.
Ông CÔ MINH PHƯƠNG – Chủ tịch Nghiệp đoàn đánh bắt hải sản thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng: “Mình nói với bà con đánh bắt đừng để đánh bắt triệt để quá, mình phải bảo vệ các loại hải sản….”
Ông HUỲNH NGỌC NHÃ - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng: “Tiếp tục tăng cường trên các phương tiện thông tin, vừa tuyên truyền vừa hướng dẫn cho bà con thực hiện theo đúng quy định…”
Hiện nay, chỉ còn thời hạn vài tháng để các tỉnh, thành ven biển khắc phục những khuyến nghị về cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC). Chưa gỡ được “thẻ vàng” thì sản phẩm thủy sản khai thác của nước ta sẽ gặp rất nhiều rào cản trong xuất khẩu. Với những quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành, ủng hộ của ngư dân trong thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, tỉnh Sóc Trăng quyết tâm cùng cả nước gỡ thành công cảnh báo “thẻ vàng” của EC đối với ngành thủy sản Việt Nam trong năm 2024. Qua đó, tiến đến hội nhập quốc tế, phát triển nghề cá bền vững, đảm bảo sinh kế cho ngư dân Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.
MC CHÀO CUỐI. Thưa quý vị và các bạn. Với những giải pháp bài bản đang được ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng tập trung triển khai; có thể thấy, tỉnh Sóc Trăng đang chung tay cùng cả nước hành động quyết liệt cho giai đoạn “nước rút” sau hành trình dài nỗ lực “gỡ thẻ” của chính quyền và và dân các tỉnh thành khắp cả nước. Đến đây phóng sự do Báo NNVN thực hiện xin được khép lại. Xin kính chào và hẹn gặp lai!