Nhiều chuyên gia cho rằng, rừng là nguồn tài nguyên quý giá và có mối liên hệ trực tiếp với sức khoẻ của con người. Do đó cần thiết phải bảo vệ rừng.
Theo báo cáo mục tiêu rừng toàn cầu năm 2021 của Liên Hợp quốc, rừng là không gian sinh tồn, nơi cư ngụ của 80% các loài sinh vật trên đất liền, 75% nguồn nước sạch mà con người có thể tiếp cận được trên thế giới cũng đến từ các lưu vực sông, suối có rừng. Khoảng 2,4 tỷ người sử dụng gỗ và củi từ rừng làm năng lượng cho việc nấu nướng và sưởi ấm. Đồng thời, khoảng 40% nguồn năng lượng tái tạo trên thế giới đến từ rừng, tương tự như các nguồn năng lượng mặt trời, thủy điện và nguồn năng lượng kết hợp khác. Do đó có thể nói rừng có mối quan hệ rất mật thiết đối với cuộc sống của con người.
Ông PHẠM HỒNG LƯỢNG
Chánh Văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT
Rừng có mối liên hệ trực tiếp với sức khoẻ con người. Rừng cung cấp nguồn thức ăn, thực phẩm, cung cấp nguồn dược liệu, thuốc chữa bệnh từ thảo dược lên đến 80% ở các quốc gia đang phát triển và 25% tại các quốc gia phát triển. Rừng còn cung ứng các nguyên liệu cho sản xuất các vật tư y tế. Ở trong rừng và gần rừng có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch, cải thiện trạng thái tâm lý, giảm căng thẳng và giúp chúng ta thư giãn. Tuy nhiên, thống kê của Liên Hợp quốc cũng chỉ ra, 75% bệnh truyền nhiễm từ động vật và thường xuất hiện khi rừng bị tàn phá. Ở trong rừng và gần rừng có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch, cải thiện trạng thái tâm lý, giảm căng thẳng và giúp chúng ta thư giãn.
Ngày Quốc tế về rừng năm nay có chủ đề “Rừng và Sức khỏe”, với thông điệp là “Rừng khỏe mạnh để con người khỏe mạnh”. Các chuyên gia nhận định thông điệp này hết sức ý nghĩa trong bối cảnh nước ta vừa trải qua đại dịch Covid-19, cùng với đó gợi suy cho mỗi người những suy nghĩ, hành động tích cực để bảo vệ rừng.
GS. TS. PHẠM VĂN ĐIỂN
Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam
Con người phục hồi, cải tạo, bảo vệ, quản lý bền vững và sử dụng có hiệu quả tài nguyên rừng là tài nguyên xanh, có khả năng tự tái tạo nhưng tái tạo trong giới hạn, tái tạo theo khả năng, tái tạo có điều kiện thì những hành động của chúng ta phải chú ý đến những cái đó.
Theo ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện của FAO tại Việt Nam, hiện có 3 con đường liên quan đến rừng và thực vật có thể hỗ trợ sức khỏe của rừng, cũng như phục hồi môi trường. Đó là, chấm dứt nạn chặt phá rừng, duy trì diện tích rừng hiện có, phục hồi đất bạc màu và phát triển nông lâm kết hợp, sử dụng rừng bền vững và xây dựng chuỗi giá trị xanh.
Ông NGUYỄN SONG HÀ
Trợ lý Trưởng đại diện của FAO tại Việt Nam
Sử dụng rừng bền vững và xây dựng chuỗi giá trị xanh sẽ giúp đáp ứng nhu cầu nguyên liệu trong tương lai, nhất là khi mức tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên toàn cầu dự kiến tăng gấp đôi từ 92 tỷ tấn năm 2017 lên 190 tỷ tấn vào năm 2060.
Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc đưa ra những cam kết mạnh mẽ, Việt Nam đã có những hành động thiết thực để quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị đa dụng của các hệ sinh thái rừng và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Nhờ vậy mà độ che phủ rừng của nước ta trong giai đoạn 1995-2020 đã có sự gia tăng từ 28,1% lên 42%. Dù diện tích rừng trên thế giới có sự suy giảm mạnh, nhưng Việt Nam vẫn là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới có diện tích rừng tăng cao nhất.