Sạt lở tiếp diễn tại sông Hương, sông Bồ. Xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu tại Lào Cai tăng hơn 378%. Hà Nội có 104 vùng sản xuất rau an toàn. Ấn Độ cho phép xuất khẩu 1 triệu tấn gạo trắng.
SẠT LỞ TIẾP DIỄN TẠI SÔNG HƯƠNG, SÔNG BỒ
Công Điền - Sản xuất
Sau các đợt mưa lớn kéo dài vừa qua, nhiều đoạn bờ sông Hương, sông Bồ tại Thừa Thiên Huế đã xảy ra tình trạng sạt lở, gây nguy hiểm cho nhà cửa và đất sản xuất của người dân.
Ghi nhận tại phường Hương Hồ, thành phố Huế, sạt lở xảy trên sông Bạch Yến (một phụ lưu sông Hương) có chiều dài khoảng 50m, ăn sâu vào 20m, làm khoảng 500 m2 đất trồng cây ăn quả, đất vườn của một số gia đình bị trôi xuống sông. Để khắc phục tạm thời, người dân đã tiến hành đóng cọc, gia cố tạm để ngăn tình trạng sạt lở. Còn tại đoạn bờ sông Hương qua khu vực Chùa Phước Thiện Lan Nhã xảy ra sạt lở khoảng 20 mét, sâu vào hơn 10 mét cuốn trôi nhà bếp cùng hệ thống bậc cấp và nhiều cây xanh.
Tình trạng sạt lở bờ sông Bồ cũng tiếp tục diễn ra nghiêm trọng trên địa bàn thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền và Quảng Điền với tổng chiều dài hơn 10 km.
XUẤT KHẨU NÔNG SẢN QUA CỦA KHẨU TẠI LÀO CAI TĂNG HƠN 378%
Khai thác
Theo thống kê của Chi cục Hải quan Quốc tế Lào Cai, kim ngạch xuất khẩu nông sản từ đầu năm đến giữa tháng 10 qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành đạt trên 432 triệu USD, tăng 378,42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh là do một số mặt hàng được phía Trung Quốc bổ sung vào danh sách hàng nông sản được nhập khẩu. Như vậy, bên cạnh các mặt hàng truyền thống như: thanh long, chuối, dưa hấu, quả vải, xoài... duy trì thông quan ổn định, từ đầu năm đến nay có thêm quả sầu riêng, với sản lượng và giá trị kim ngạch tăng mạnh. Đáng chú ý, tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành, hiện mỗi ngày có từ 50-80 phương tiện chở sầu riêng xuất khẩu. Đây là con số cao kỷ lục từ trước đến nay tại cửa khẩu này. Mỗi container có giá trị gần 2 tỷ đồng, cao hơn từ 4-5 lần so với các loại trái cây xuất khẩu truyền thống.
HÀ NỘI CÓ 104 VÙNG SẢN XUẤT RAU AN TOÀN
Khai thác
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, sản lượng rau của Thủ đô đạt hơn 700.000 tấn/năm, tốc độ tăng trưởng trung bình 1,9%/năm. Hiện, diện tích rau an toàn đã được cấp giấy chứng nhận duy trì ổn định gần 5.500 ha, năng suất đạt khoảng 70 tấn/ha/năm. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố đã hình thành 104 vùng sản xuất rau an toàn, với quy mô từ 20 ha trở lên tại các huyện: Đông Anh, Thanh Trì, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ...cho giá trị từ 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm. Đến nay, diện tích rau đã được chứng nhận hữu cơ và đang xin chứng nhận sản xuất theo hướng hữu cơ khoảng 180ha, năng suất dự kiến 50 tấn/ha/năm, hiệu quả kinh tế sản xuất rau hữu cơ cao hơn so với sản xuất rau thông thường từ 20 đến 30%.
ẤN ĐỘ CHO PHÉP XUẤT KHẨU 1 TRIỆU TẤN GẠO TRẮNG
Khai thác
Theo thông báo mới đây của Tổng cục Ngoại thương, thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, xuất khẩu gạo không phải giống basmati được phép thực hiện thông qua Hợp tác xã quốc gia về xuất khẩu. Theo đó, Chính phủ Ấn Độ đã cho phép xuất khẩu hơn 1 triệu tấn gạo trắng không phải giống basmati đến một số nước như: Nepal, Cameroon, Malaysia, Philippines… Hiện, xuất khẩu đã được nối lại nhưng phải có giấy phép của chính phủ nhằm giúp một số quốc gia đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực.
Trước đó, hồi tháng 7, Chính phủ Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo trắng không phải giống basmati nhằm tăng nguồn cung cho thị trường nội địa.