Gần 2 ha cây rừng phòng hộ bị khai thác trái phép tại Đồng Nai
Thứ Bảy 05/04/2025 , 18:54 (GMT+7)
Burundi mong muốn hợp tác khoa học nông nghiệp với Việt Nam. Đồng Nai: Gần 2 ha cây rừng phòng hộ bị khai thác trái phép. Hội quán sầu riêng Bàu Đồn nói không với Cadimi và vàng O. Phú Quốc: 6 cây cổ thụ được công nhận di sản.
BURUNDI MONG MUỐN HỢP TÁC KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP VỚI VIỆT NAM
Thực hiện: THANH THỦY
Chiều 5/4, Tổng thống Cộng hòa Burundi, ông Évariste Ndayishimiye (Ê-va-rítx Đai-si-mi-ye) đã đến thăm khu nhà màng công nghệ cao ở Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS).
Tổng thống nhấn mạnh chuyến thăm Việt Nam lần này nhằm củng cố hợp tác với Việt Nam, trong đó có khoa học nông nghiệp. Mặc dù còn nhiều khó khăn, Burundi vẫn duy trì tiềm năng phát triển nông nghiệp nhờ vào đất đai màu mỡ và lực lượng lao động trẻ.
Theo đó, Tổng thống Cộng hòa Burundi gợi mở 3 lĩnh vực hợp tác trọng tâm trong thời gian tới là: bảo tồn - phục tráng gen, nông nghiệp công nghệ cao và đào tạo tiến sĩ.
Tại buổi tiếp, đại diện các đơn vị thành viên và các phòng, ban thuộc Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển các giống cây sắn, khoai kháng bệnh; trồng cây thuỷ canh, khí canh, và tiếp cận đào tạo nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp.
ĐỒNG NAI: GẦN 2 HA CÂY RỪNG PHÒNG HỘ BỊ KHAI THÁC TRÁI PHÉP
Thực hiện: MINH SÁNG
Mới đây, hàng loạt cây rừng phòng hộ tại tiểu khu 204, Phân trường Trản Táo, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) đã bị đốn hạ trái phép. Ghi nhận tại hiện trường, có khoảng gần 100 cây gỗ dầu lớn (từ 20 đến 30 năm tuổi) cùng nhiều cây khác trên diện tích khoảng 2 hécta đã bị cưa đổ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do một số hộ dân tự ý chặt phá cây rừng để khai thác gỗ trái phép, lấy đất dựng nhà ở và sản xuất nông nghiệp. Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần ngăn chặn, giải thích và vận động, nhưng tình trạng khai thác trái phép vẫn tiếp diễn.
Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, tình trạng chặt phá rừng phòng hộ trên lâm phận của Ban quản lý đã diễn ra từ năm 2019 đến nay, có khoảng vài ngàn cây rừng to như thế này đã bị người dân đốn hạ. Các điểm nóng về phá rừng tập trung chủ yếu tại Phân trường Trản Táo, thuộc địa phận xã Xuân Tâm, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến môi trường và an ninh trật tự địa phương.
HỘI QUÁN SẦU RIÊNG BÀU ĐỒN NÓI KHÔNG VỚI CADIMI VÀ VÀNG O
Thực hiện: TRẦN TRUNG
Ngày 5/4, Hội quán sầu riêng Bàu Đồn tổ chức sinh hoạt lần 3 về chuyên đề an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sầu riêng nhằm bàn giải pháp canh tác sầu riêng bền vững. Tại đây, các đại biểu đã bàn luận xoay quanh các vấn đề liên quan tới kỹ thuật canh tác, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Đồng thời, phổ biến các loại phân bón thuốc BVTV trong danh mục cho phép. Bên cạnh đó, hơn 100 thành viên Hội quán Bàu Đồn cũng như các doanh nghiệp đều cam kết nói không với Cadimi – kim loại nặng, và Vàng ô – chất nhuộm cấm.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh, hiện, phía Trung Quốc quy định tất cả các lô hàng sầu riêng khi xuất khẩu bắt buộc phải có giấy chứng nhận kiểm nghiệm đối với các chỉ tiêu liên quan tới Cadimi và Vàng ô. Nếu không đạt, lô hàng sẽ bị từ chối hoặc buộc phải tái xuất. Quan trọng hơn, ngay cả khi đã có giấy kiểm nghiệm từ phía Việt Nam, Trung Quốc vẫn có thể lấy mẫu lại để kiểm tra lần 2 tại cửa khẩu.
PHÚ QUỐC: 6 CÂY CỔ THỤ ĐƯỢC CÔNG NHẬN CÂY DI SẢN
Thực hiện: VĂN VŨ
Vườn quốc gia Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang vừa tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận cây di sản Việt Nam cho 6 cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm.Những cây cổ thụ này không chỉ có giá trị về khoa học, kinh tế, môi trường mà còn đóng vai trò quan trọng về văn hóa, lịch sử và du lịch của Phú Quốc.
Trong số 6 cây được vinh danh lần này có 2 cây trai Nam Bộ ở xã Bãi Thơm có tuổi đời khoảng 600 năm. 2 cây kơ-nia ở xã Gành Dầu tuổi đời khoảng 800 năm. 2 cây kiền kiền Phú Quốc ở xã Gành Dầu tuổi đời khoảng 250 năm.
Việc công nhận 6 cây di sản Việt Nam lần đầu tại tỉnh Kiên Giang cũng như Vườn quốc gia Phú Quốc nhằm vinh danh, ghi nhận, lan tỏa những giá trị độc đáo của thiên nhiên. Tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa, giá trị cây di sản, giúp cho công tác bảo tồn và nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, vai trò của cây xanh đối với cuộc sống.