Văn phòng SPS Việt Nam thực thi nghĩa vụ liên quan đến việc thông báo dự thảo các biện pháp nhằm giảm thiểu những rắc rối trong thương mại nông sản và thực phẩm Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường quốc tế.
SPS Việt Nam là 'chìa khóa' đưa nông sản ra thị trường quốc tế
Văn phòng SPS Việt Nam thực thi nghĩa vụ liên quan đến việc thông báo dự thảo các biện pháp, nhằm giảm thiểu những rắc rối trong thương mại nông sản và thực phẩm Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường quốc tế.
Những năm gần đây, các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, xuất xứ nguồn gốc và bao bì nhãn mác sản phẩm ngày càng được siết chặt bởi các quốc gia thành viên WTO. Mỗi tháng, Văn Phòng SPS Việt Nam nhận khoảng 100 thông tin cập nhật từ các nước nhập khẩu, đặc biệt là thị trường EU và Trung Quốc. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước còn hạn chế trong việc cập nhật thông tin mới từ thị trường nhập khẩu.
Ông Lương Phước Vinh, Giám đốc khu vực Tập đoàn Tentamus: Tôi có gặp trực tiếp giám đốc thu mua và giám đốc siêu thị của Châu Âu và của Mỹ. Họ đã yêu cầu làm việc với các nhà cung cấp Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi nhận ra một vấn đề các nhà cung cấp chưa hiểu về các yêu cầu chất lượng, chưa nắm được SPS là gì.
Mới đây, tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, diễn ra Hội nghị “Phổ biến các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các thành viên trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)”.
Đại diện Văn Phòng SPS Việt Nam, Cục Thú y, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã thông tin về cách đăng ký xuất khẩu tổ yến và sản phẩm từ tổ yến sang thị trường Trung Quốc. Các quy định từ các thị trường ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Niudilân...
Theo TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, khi tham gia WTO, việc biết và tuân thủ các quy định của các nước thành viên là quan trọng để tránh vi phạm. Mỗi nước có những quy định khác nhau. Khi muốn xuất khẩu vào một thị trường cụ thể, quan trọng nhất là phải tuân thủ các quy định của thị trường đó.
Tiến sĩ Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam: Chúng ta cần xóa bỏ tư tưởng chấp nhận rủi ro khi xuất khẩu nông sản. Vì khi hàng hóa của một doanh nghiệp vi phạm quy định của nước nhập khẩu thì không chỉ doanh nghiệp đó bị thiệt hại mà các doanh nghiệp cùng ngành hàng cũng bị ảnh hưởng, gây ảnh hưởng rất lớn đến thời gian, uy tín của nông sản Việt Nam.
Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) được thành lập từ năm 2005 nhằm thực thi nghĩa vụ minh bạch liên quan đến việc thông báo dự thảo các biện pháp SPS. Nhằm giảm thiểu những rắc rối trong thương mại nông sản và thực phẩm quốc tế sau khi Việt Nam gia nhập WTO.
SPS Việt Nam được xem là chìa khóa, là cửa ngõ giúp doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vào một thị trường nào đó mà doanh nghiệp muốn hướng tới. Khi muốn tham gia xuất khẩu nông sản doanh nghiệp chưa rõ các quy định của nước nhập khẩu doanh nghiệp có thể liên hệ Văn phòng SPS Việt Nam để được giải đáp và hướng dẫn.