Người nuôi tôm tại Bà Rịa - Vũng Tàu đang tập trung vào nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Điều này giúp người tôm nuôi tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư.
Từ việc sản xuất muối truyền thống, nhờ sự nhạy bén, các thành viên của HTX Chợ Bến tại xã An Ngãi, huyện Long Điền đã chuyển sang nuôi tôm theo mô hình ứng dụng công nghệ cao với diện tích 11 hécta, mỗi năm nuôi 3 vụ. Dù mới đi vào hoạt động được gần 3 năm, nhưng HTX Chợ Bến lại là một trong những điển hình về phát triển kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh.
HTX Nông nghiệp Quyết Thắng là một trong những đơn vị tiên phong về nuôi tôm công nghệ cao ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước những rủi ro ngày càng nhiều với nuôi tôm theo kiểu cũ, HTX đã quyết định tìm hiểu những quy trình nuôi hiện đại và tiếp cận với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh bằng hệ thống lọc nước tuần hoàn, khép kín trong nhà màng.
Nhờ ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm, HTX kiểm soát được môi trường nuôi. Từ đó, HTX đã tăng từ 1 vụ tôm/ năm trong ao đất lên 3 vụ/ năm, năng suất 100 tấn/ năm/ hécta. So với cách nuôi truyền thống chỉ 1 vụ/ năm, năng suất 5 tấn/ năm/ hécta thì tăng gấp 20 lần. Tổng doanh thu khoảng 15 - 20 tỷ đồng/năm, lợi nhuận từ 5 - 6 tỷ đồng.
Công ty nuôi trồng thủy sản Minh Phú Lộc An (huyện Đất Đỏ) có khu nuôi tôm 300ha gồm 560 ao nuôi, 300 ao xử lý nước, 280 ao ương và 2 hồ chứa nước biển, 1 ao nước thải. Công ty nuôi tôm theo hình thức ao tròn nổi, khung thép, đáy lót bạt, sử dụng công nghệ sinh học Minh Phú Bio với 3 vụ nuôi/năm. Quá trình nuôi và xử lý nước đều dùng vi sinh, không thay nước, không sử dụng kháng sinh, hóa chất, tiết kiệm điện, giúp giảm chi phí đầu vào.
Công ty Minh Phú Lộc An cũng đang có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực để chuyển giao công nghệ nuôi tôm sinh học, liên kết nuôi trồng và bao tiêu sản phẩm với nông dân trong tỉnh vào năm tới, nhằm tăng nguồn nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu hiện đang rất thiếu của doanh nghiệp.
Trong những năm qua, sản xuất nông lâm ngư nghiệp của Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với chất lượng ngày càng đa dạng, sản phẩm sản xuất theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, tỉnh cũng chú trọng phát triển chuyển giao nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Đến nay, đã có 23 tổ chức, cá nhân nuôi và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng gần 430 hécta. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao hiện nay đã đạt hơn 46%.
Ngành thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung theo hướng công nghệ cao, bền vững, hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Với sự phát triển của các mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong thời gian qua tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hình thành các vùng quy hoạch sản xuất nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao ở nhiều địa phương. Điều này giúp tỉnh xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trên tôm nói riêng và dễ xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm.